Chủ nhật, 24/11/2024 11:06 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 11:00 (GMT+7)

Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Dự án Vành đai 3 TP.HCM và dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được xây dựng sẽ tạo động lực mới để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam bứt phá mạnh mẽ.

Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1
Đường vành đai 4 vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ “chia lửa” cho đường vành đai 3 hiện đang quá tải trầm trọng. (Ảnh: NLĐ)

Đồng bộ hóa hệ thống cao tốc đồng bằng Bắc Bộ 

Tại Tọa đàm trực tuyến "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, Thủ đô Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hóa hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía bắc, với cao tốc Bắc - Nam phía đông, kết nối với vành đai 3 TP.HCM, cho phép chúng ta hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc.

Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn. (Ảnh: VGP)

Không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới. Với việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

Riêng Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô.

Cùng với đó, phía nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là Cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Việc này thực sự đã chậm 10 năm so với chương trình quy hoạch, kế hoạch của nhiệm kỳ trước.

Vành đai 4 cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.

Sau 14 năm hợp nhất hành chính Thủ đô, mở ra khả năng phát triển các vùng được đô thị hóa, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép Thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn.

Đối với Vành đai 4, điều đặc biệt là có lộ giới từ 90-135 m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hóa đường bộ, đường sắt. Trước đây, đường sắt quốc gia xuyên qua trung tâm, ngày nay cho phép đồng bộ đường bộ, đường sắt. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội.

Kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Đánh giá ý nghĩa của dự án Vành đai 3 TP. HCM, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng, đường Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Có thể nói, vùng kinh tế trọng điểm phía nam có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế cả nước. Phát triển kinh tế chiếm 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Đây cũng là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế. Đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.

Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm.

TP.HCM và các tỉnh thời gian qua cũng hết sức quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Đặc biệt là khi thực hiện phát triển chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII, các tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu thì thấy Vành đai 3 là một tuyến đường hết sức quan trọng kết nối tất cả đường cao tốc của vùng, kết nối 4 tuyến cao tốc hướng tâm.

Việc triển khai tuyến đường này có ý nghĩa rất to lớn: Giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ Đông sang Tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ số về hạ tầng đường bộ của chúng ta qua nghiên cứu thấp so với thế giới. Vì vậy, triển khai và đồng bộ hệ thống cao tốc đô thị Vành đai 3 của TP.HCM là hết sức ý nghĩa và quan trọng.

Từ đấy, không những giải quyết vấn đề giao thông, kết nối hàng hoá lưu thông, chúng ta còn mở rộng các khu đô thị vệ tinh, mở rộng đồng bộ không gian vùng kinh tế. Từ đó sẽ đóng góp rất lớn đến phát triển bền vững kinh tế của TP.HCM và các tỉnh trong vùng.

Khi hai dự án này hoàn thành sẽ có sự "bùng nổ"

Dự án Vành đai 3 TP. HCM theo kế hoạch đề ra, trong năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành. Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô cơ bản hoàn thành trong năm 2024.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, sau khi hai dự án này hoàn thành, có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam. Từ sự ách tắc lâu nay chúng ta phải chịu, khi khai thông, "bùng nổ" sẽ hiện ra.

Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 4
PGS.TS. Trần Đình Thiên.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Chân lý "đường thông" sẽ thể hiện ở 3 điểm chính. Thứ nhất, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao.

Thứ hai là vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững.

Thứ ba, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dùng sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá, phát triển.

Dự án đường vành đai 4 TP.Hà Nội có chiều dài 112,8 km, qua TP.Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến trên 87.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT), trong đó tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tạo sự 'bùng nổ' cho 2 trung tâm tăng trưởng lớn nhất Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới