Thanh Hóa: Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến năm 2030
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, ngày 04 tháng 01 năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 77/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Quan điểm là nhằm kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia quá trình liên kết, làm cơ sở thu hút và gắn kết các chủ thể tham gia chuỗi liên kết.
Mục tiêu chung là nhằm phát triển kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hoá chất lượng, quy mô lớn, có hệ thống kho bảo quản và nhà máy sơ chế, chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; nâng cao thu nhập của người sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm; nâng cao năng lực của các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ để mở rộng khả năng kết nối, tạo liên kết bền vững giữa các chủ thể; phát triển mạnh năng lực kinh doanh các cơ sở chế biến, làm hạt nhân cho các hoạt động kết nối; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đảm bảo phù hợp với trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt từ 20% sản lượng trở lên; kết nối tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 2.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 6%/năm); tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 40% trở trên; được sơ chế, chế biến đạt từ 40% tổng sản lượng sản xuất trở lên; tỷ lệ cơ sở chế biến được nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC,...) đạt từ 20% cơ sở hiện có trở lên.
Đến năm 2030: Sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt 50% sản lượng sản xuất; kết nối, tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 3.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 8,5%/năm); tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 80% trở trên; được chế biến đạt từ 55% tổng sản lượng sản xuất trở lên; tỷ lệ cơ sở chế biến được nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng đạt trên 40% cơ sở hiện có trở lên.
Đề án đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện sau: Tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu; phát triển, mở rộng quy mô các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; phát triển công nghiệp chế biến; phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh; phát triển thị trường tiêu thụ; phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực; huy động nguồn vốn; xây dựng cơ chế, chính sách.
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại đề án khoảng 2.555,5 tỉ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng gần 53,8 tỉ đồng, nguồn vốn khác (vốn doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của Nhân dân, nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ,…) khoảng trên 2.501,7 tỉ đồng.
Đình Đông