Chủ nhật, 24/11/2024 06:32 (GMT+7)
Thứ tư, 01/05/2024 11:00 (GMT+7)

Thanh Hóa: Phê duyệt đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 1671/QĐ-UBND về việc di dời hàng trăm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư đến năm 2030.

Theo số liệu tại đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1671 /QĐ-UBND ngày 24/04/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa), địa phương này có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thanh Hóa: Phê duyệt đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư - Ảnh 1
Tỉnh Thanh Hóa có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)

Cụ thể, bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cơ sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); sản xuất bún (26 cơ sở); giết mổ gia súc, gia cầm (30 cơ sở); gia công cơ khí (19 cơ sở); sản xuất gạch không nung (14 cơ sở); các loại hình khác như: Ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than…) có 21 cơ sở.

Căn cứ số liệu tổng hợp, điều tra cho thấy, có 700/826 (chiếm 84,74%) cơ sở đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố không đầu tư các công trình BVMT/đầu tư không đầy đủ các công trình BVMT. Chính việc không thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường này dẫn đến chất thải không được thu gom, xử lý triệt để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường; nhiều cơ sở, hộ gia đình đã bị người dân, báo chí phản ánh nhiều lần.

Theo thống kê, các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố (TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương). Qua đó, mục tiêu giai đoạn 2024 - 2025 rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau, thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, hộ gia đình chủ sở hữu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý, tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý.

Giai đoạn 2026 - 2030, tổ chức thực hiện các phương án (trong đó giai đoạn 2026 – 2027 di dời toàn bộ chuyển đổi ngành nghề dừng hoạt động tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên: 110 cơ sở).

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng yêu cầu đầu tư đầy đủ, vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường nhưng thuộc loại hình có thể giảm quy mô, công suất để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường 25 cơ sở. Giai đoạn 2028 - 2030: Di dời chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại: 565 cơ sở.

Tuấn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Phê duyệt đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới