Chủ nhật, 24/11/2024 07:04 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 16:00 (GMT+7)

Thiên tai gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Theo Viện nghiên cứu bảo hiểm Swiss Re ước tính, tổng thiệt hại kinh tế của thế giới lên tới 260 tỷ USD vào năm nay do thảm họa tự nhiên gây ra. Con số này giảm 11% so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 207 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà không chỉ mỗi Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu" thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhìn chung, 55% bề mặt các đại dương đã trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt trong năm 2022. Trong khi đó, tình trạng băng tan khiến mực nước biển dâng đã cao gấp đôi trong 30 năm qua, đe dọa hàng chục triệu người sinh sống ở những vùng trũng ven biển.

Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử ghi chép kể cả khi hiện tượng La Nina xảy ra năm 2020 đã phần nào giúp làm mát bầu khí quyển. Trong năm nay, rất nhiều cộng đồng cư dân trên toàn cầu trở thành nạn nhân của các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, từ các đợt sóng nhiệt ở Nam Á đến những mùa mưa thiếu nước ở Đông Phi hay hạn hán kéo dài và tồi tệ nhất ở Trung Quốc....

Thiên tai gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022 - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà không chỉ mỗi Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Cụ thể, tại Pháp, dữ liệu cho thấy số lượng sóng nhiệt tăng lên trông thấy. Trong số 43 hiện tượng được ghi nhận kể từ năm 1947, 9 đợt sóng nhiệt diễn ra trước năm 1989, số còn lại từ năm 1989 đến năm 2020. Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp, số lượng các đợt nắng nóng trong 30 năm qua đã tăng gấp 3 lần so với 42 năm trước đó.

Đặc biệt, cơn bão Ian đổ bộ vào Florida hồi tháng tháng 9 mang theo gió cực mạnh và mưa xối xả đã gây ra thiệt hại từ 50 - 65 tỷ USD sau khi trừ bảo hiểm. Báo cáo từ Viện nghiên cứu bảo hiểm Swiss Re chỉ rõ, con số khổng lồ đó đã khiến bão Ian không chỉ là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm nay, mà còn là mức tổn thất lớn thứ hai sau cơn bão Katrina năm 2005.

Sau khi tính toán thiệt hại do các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, bão và cháy rừng, Swiss Re ước tính tổng thiệt hại kinh tế của thế giới lên tới 260 tỷ USD vào năm nay, sau khi trừ thanh toán bảo hiểm. Đáng chú ý, con số này giảm 11% so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 207 tỷ USD.

Mặc dù chỉ một phần thiệt hại tài sản được bảo hiểm thanh toán, nhưng số tiền mà các công ty bảo hiểm phải chi trả sẽ cán mốc 115 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn 6% so với năm ngoái, song vẫn cao hơn mức trung bình 10 năm là 81 tỷ USD.

Ông Martin Bertogg, người đứng đầu Bộ phận các rủi ro thiên tai của công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết: “Các sự kiện thời tiết cực đoan đã dẫn đến con số thiệt hại lớn vào năm 2022, tạo cơ sở cho rủi ro gia tăng và lan rộng ở mọi châu lục”.

Ông lưu ý khi cơn bão Andrew tấn công 30 năm trước, mức thiệt hại 20 tỷ USD là chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng gần đây, đã có bảy cơn bão gây thiệt hại nặng nề như vậy xảy ra chỉ trong vòng 6 năm qua.

Biến đổi khí hậu đang làm ấm các đại dương vào tạo thành những cơn bão siêu tích điện. Theo đó, các cơn bão thường gây thiệt hại bằng sức gió và triều cường. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, bão sẽ gây mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng hơn, cũng như mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Trong lịch sử, các công ty bảo hiểm coi bão và động đất là những thảm họa duy nhất có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp. Mọi thứ khác - bao gồm cả những trận mưa lớn và cháy rừng - được đưa vào nhóm thứ cấp.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, những sự kiện này đã trở nên nguy hiểm và có sức tàn phá mạnh hơn. Trong năm 2022, các thiên tai thứ cấp, điển hình là mưa lớn xối xả đã gây ra lũ lụt ở Australia trong hai tháng 2 - 3 và gây thiệt hại 4 tỷ USD. Đây chính là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nhất của quốc gia này.

Một công ty tái bảo hiểm khác, Munich Re, cho biết chỉ riêng các trận cuồng phong và bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương đã gây ra thiệt hại và tổn thất khoảng 110 tỷ USD trong năm nay, trong đó bão Ian chiếm khoảng 100 tỷ USD.

Những năm qua, biến đổi khí hậu gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới thiên nhiên và con người Việt Nam. Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai, hạn hán, nắng nóng ngày càng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ… tác động của biến đổi khí hậu gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, không chỉ hạn hán, sự xuất hiện của những cơn mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia, thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Cụ thể, mực nước biển trung bình đã tăng 25 – 30 cm trong khoảng 50 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới