Chủ nhật, 24/11/2024 12:59 (GMT+7)
Thứ ba, 04/08/2020 06:45 (GMT+7)

Thiệt hại gấp hơn ba lần khủng hoảng 2009, du lịch thế giới phục hồi cầm chừng

Theo dõi KTMT trên

115 quốc gia vẫn đóng cửa với du lịch. Những tổn thất mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến ngành công nghiệp không khói trên toàn thế giới thiệt hại gấp hơn ba lần cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cầu 2009.

Thiệt hại gấp hơn ba lần khủng hoảng 2009, du lịch thế giới phục hồi cầm chừng - Ảnh 1
Khu bảo tồn thiên nhiên Singita Grumeti ở Tanzania. Tanzania nằm trong số ít nước dỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế du lịch. (Ảnh: REUTERS)

Đây là những thông tin chính được đưa ra trong báo cáo cập nhật đến hết ngày 19/7 về tác động của đại dịch Covid-19 với ngành du lịch thế giới do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) thực hiện.

Theo thống kê của UNWTO, trong số 115 quốc gia (53% các điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới) vẫn đóng cửa biên giới với du khách quốc tế, có 88 quốc gia đã đóng cửa biên giới trong hơn 12 tuần.

Trong số các quốc gia từ chối cho du khách nước ngoài nhập cảnh có Mỹ, Canada, các quốc gia Trung và Nam Mỹ trừ Mexico, một số nước cận xích đạo và Guyana thuộc Pháp.

Hầu hết các quốc gia châu Á và vùng Vịnh vẫn đóng cửa biên giới với khách du lịch, trừ một số nước là Cambodia, Bangladesh, Bhutan, Pakistan, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Australia, New Zealand và Nga cũng chưa nới lỏng các lệnh hạn chế du lịch.

Tại thời điểm cao điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 vào ngày 18/5, 75% các điểm đến trên thế giới đóng cửa biên giới.

Biểu đồ thống kê du lịch thế giới UNWTO cho thấy, các lệnh phong tỏa gần như hoàn toàn để ứng phó với đại dịch đã khiến số lượng khách du lịch quốc tế giảm 98% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2019. Tính trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, số lượng khách du lịch toàn cầu giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tương đương với sự sụt giảm 300 triệu khách du lịch và khiến các khoản thu từ du lịch quốc tế bị “bốc hơi” 320 tỉ USD - nhiều hơn gấp ba lần tổn thất trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định: “Các dữ liệu mới nhất này cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch ngay khi thấy an toàn. Sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành du lịch quốc tế khiến hàng triệu sinh kế gặp rủi ro, bao gồm ở các nước đang phát triển”.

Do đó, Tổng thư ký UNWTO kêu gọi, chính phủ ở mọi khu vực trên thế giới đều phải có trách nhiệm kép: ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời bảo vệ việc làm và doanh nghiệp. Các chính phủ cũng cần duy trì tinh thần hợp tác và tình đoàn kết nhằm ứng phó với thách thức chung này và kiềm chế đưa ra các quyết định đơn phương có thể làm suy yếu niềm tin và sự tự tin mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.

Phục hồi cầm chừng

UNWTO thống kê, cho tới nay đã có khoảng 40% các điểm đến trên toàn thế giới đã nới lỏng các lệnh hạn chế áp đặt với ngành du lịch nhằm ngăn chặn Covid-19. Con số 40% tương đương với 87 quốc gia hiện đã cho phép khách du lịch nước ngoài đi vào lãnh thổ. Bao gồm 41 quốc gia châu Âu và 13 quốc gia châu Phi gồm Tunisia, Ai Cập, Senegal, và Bờ biển Ngà.

Tanzania là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm đi lại.

Số quốc gia nới lỏng các lệnh du lịch đi lại đã tăng từ mức 22% so với hôm 15/6 và mức 3% hôm 15/5. UNWTO nhận định, điều này cho thấy xu hướng tái khởi động ngành du lịch quốc tế có trách nhiệm dù ở mức chậm.

Mặc dù chỉ số lòng tin của UNWTO đã giảm xuống những mức thấp kỷ lục, ngành du lịch mới chỉ hoạt động trở lại cầm chừng, song hầu hết các thành viên của Hội đồng chuyên gia du lịch UNWTO dự kiến du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021.

Trang Linh

Bạn đang đọc bài viết Thiệt hại gấp hơn ba lần khủng hoảng 2009, du lịch thế giới phục hồi cầm chừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới