Thu nhập bình quân ở địa phương có biển cao hơn bình quân cả nước
Nhiều địa phương có biển đã năng động, đầu tư khai thác các thế mạnh của biển nhằm tạo ra động lực tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển chung của đất nước.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), tiềm năng, lợi thế biển của Việt Nam đã được phát huy.
Nhiều địa phương có biển đã năng động, đầu tư khai thác các thế mạnh của biển nhằm tạo ra động lực tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển chung của đất nước.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người các tỉnh có biển cao hơn bình quân chung cả nước.
Đến nay, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố chiếm 20% dân số nhưng đóng góp đến 45% GDP và 40% thu ngân sách cả nước; có 3/8 địa phương của vùng trực tiếp giáp biển là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang, chiếm 65% GDP của cả vùng.
Ngay cả một số địa phương không trực tiếp giáp biển như Long An, Đồng Nai, Bình Dương cũng rất năng động phát triển một số ngành kinh tế gắn với biển như phát triển hệ thống cảng nội địa kết nối với các cảng biển quốc tế của vùng hoặc kết nối trực tiếp ra biển dựa vào những con sông lớn. Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu là hai địa phương có hệ thống cảng biển quốc tế lớn nhất không chỉ ở vùng mà còn với cả nước với khối lượng vận tải biển chiếm 40% cả nước.
Ngoài cảng biển, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã phát triển thành trung tâm du lịch biển, đảo; đánh bắt và chế biến hải sản, khai thác dầu khí… lớn hàng đầu cả nước và có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn như Nghị quyết 36 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã đề cập.
Cụ thể, phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương có biển vẫn chưa khai thác được lợi thế từ biển, trong khi một số địa phương đã tìm được động lực từ biển nhưng lợi ích mang lại chưa lớn hoặc chưa thực sự bền vững.
Nhiều ngành kinh tế biển, nhất là một số ngành kinh tế mũi nhọn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; lợi thế cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống cảng biển được quy hoạch nhưng thực hiện chưa tốt, nhất là cơ chế hợp tác vùng, dẫn đến tình trạng mất cân đối, nơi tắc nghẽn, nơi dư thừa công suất, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, tăng chi phí và giảm hiệu quả kinh tế tổng thể; chưa xây dựng được thương cảng quốc tế và tập đoàn kinh tế mạnh về biển có khả năng cạnh tranh khu vực và thế giới.
Ngoài ra, việc tổ chức quản lý, điều phối phát triển kinh tế biển chưa thực sự tập trung, hiệu quả; đặc biệt sự liên kết giữa các vùng biển và ven biển, vùng ven biển với vùng nội địa, giữa địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn rời rạc, kém hiệu quả…
Nghị quyết 36 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra tầm nhìn kinh tế biển 2045 của Việt Nam là "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước", trong đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước đến năm 2030; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế…
Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục "Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển", trên cơ sở "Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển".
Là một địa phương đang phát triển nhanh chóng từ những lợi thế về biển, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa diễn ra, đồng chí Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần tiếp tục cụ thể hóa tinh thần, các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 36 bằng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế biển theo hướng thống nhất, kết hợp với cơ chế phân cấp phù hợp, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ và hiệu quả, bảo đảm tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là các quy hoạch về không gian biển, về phát triển các ngành kinh tế biển để tránh đánh mất lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển cần được tiếp cận theo hướng bền vững, sinh thái, nhất là đối với các ngành công nghiệp xanh dương.
Đối với các ngành kinh tế biển đã định hình cần tiếp tục nâng cấp, nhất là du lịch cao cấp, kinh tế hàng hải, dịch vụ cảng biển, vận tải biển, bảo hiểm hàng hải, khai thác, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và đánh bắt, chế biến hải sản xa bờ...
Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần hợp tác, liên kết chặt chẽ để cùng phát huy lợi thế của nhau, trong đó chú trọng việc phân công, chia sẻ nguồn lực đầu tư và điều phối cơ hội phát triển nhằm tạo ra lợi ích tổng thể lớn nhất cho cả vùng, đất nước và rất cần vai trò của Trung ương trực tiếp chỉ đạo, điều phối của cả vùng.
Song song đó, tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm môi trường "Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông" trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển.
Đặc biệt, "cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển các ngành kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo" như Báo cáo Chính trị đã nhấn mạnh.
Ngoài ra, thực hiện chiến lược đô thị hóa biển, phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Mục tiêu nâng tỉ lệ đô thị hóa lên 45% đến năm 2025 và 50% đến năm 2030 phụ thuộc rất lớn vào khả năng tăng tốc của các địa phương có biển.
Do đó, các địa phương có biển cần tích hợp chiến lược đô thị hóa gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh và sức lan tỏa lớn, gắn với môi trường sống tốt và sinh kế bền vững cho người dân.
Bên cạnh đó, những công nghệ tiên phong và việc tạo ra một số ngành kinh tế biển mới sẽ giúp Việt Nam mở rộng không gian phát triển, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới.
Để đạt được điều này, chúng ta phải ưu tiên nguồn lực và có chiến lược phù hợp trong việc đầu tư cho khoa học - công nghệ, nếu không, sẽ lỡ cơ hội, bị tụt lại và dần mất đi lợi thế so với các quốc gia trong khu vực.
Đến năm 2025 khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động, cùng với Cái Mép - Thị Vải (là một trong 21 cảng biển nước sâu tốt nhất thế giới) có tốc độ tăng trưởng trên 20% năm trong 2 năm gần đây là cơ hội tạo ra sự kết nối đa phương thức giữa đường biển, đường thủy, đường hàng không, đường bộ, đường sắt.
Do đó, vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang rất cần Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư sớm các dự án hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong vùng, cụ thể là Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường Vành đai 4 và lấy sân bay quốc tế Long Thành cùng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là trọng tâm phát triển cho cả vùng.
Đoàn Mạnh Dương