Thực hư thông tin VEC 'Chặn cao tốc, ép lái xe' để thu phí
Phản hồi về thông tin chặn đường cao tốc, gom xe để thu phí, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được cơ quan quản lý đường bộ là Chi cục I.3 lập biên bản xác nhận, kiểm tra.
Theo phản ánh của nhiều lái xe, vài ngày qua có tình trạng đơn vị quản lý cao tốc Nội Bài - Lào Cai phân luồng, “ép” lái xe đi vào tỉnh lộ để ra nút giao IC3 thu phí mặc dù trạm thu phí tại Km6 đã tạm dừng thu phí do TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, một số lái xe và doanh nghiệp phản ánh do TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trạm thu phí Km6 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải dừng thu phí nên đơn vị quản lý cao tốc đã chặn đường chiều về Hà Nội tại khu vực cầu Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu đi vào tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.
Còn trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn từ Cầu Giẽ (Hà Nội) đi nút giao Vực Vòng (Hà Nam) có chiều dài 10 km, trong đó có 7 km nằm trên địa bàn Hà Nội, 3 km nằm trên địa phận tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, trạm thu phí này vẫn thu phí tất cả xe qua lại hướng Cầu Giẽ - Vực Vòng và ngược lại. Mức thu là 15.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn.
Trả lời về vấn đề này, VEC cho biết khác với một số trạm thu phí BOT thu phí theo hình thức chỉ dừng tại một trạm để trả phí (một dừng), toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đều thực hiện theo hình thức thu phí kín (vào lấy thẻ, ra trả tiền theo chiều dài quãng đường đi). Do đó, khi dừng thu phí tại một trạm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình thu phí của tuyến đường.
Với tuyến Nội Bài - Lào Cai dài 245 km, trong đó có 7,66 km qua địa phận TP.Hà Nội. Toàn tuyến có 14 trạm thu phí áp dụng hình thức thu phí kín. Khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 24/7/2021 các phương tiện được miễn phí chặng Trạm Km6-IC3 ở cả hai chiều. Thời điểm này, VEC cũng đã điều chỉnh lại công tác phân luồng giao thông và tổ chức thu phí tạm thời để đảm bảo thu phí cho 238 km còn lại.
Tại hiện trường, VEC đã tổ chức lực lượng hướng dẫn các phương tiện không đủ điều kiện vào TP. Hà Nội giúp lái xe chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp (không phải quay đầu tại chốt kiểm dịch Km6). Do vậy, sau khi trả phí, các xe có thể tiếp tục lộ trình vào đường cao tốc cũng trong phạm vi nút giao IC3 (nếu đảm bảo yêu cầu của cơ quan y tế) để đi về Km6 (hoàn toàn miễn phí) hoặc di chuyển vào hướng KCN Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Ngoài tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đối với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn tuyến đi qua TP.Hà Nội có chiều dài là 4,964 km (Km210+000 – Km214+964), mức phí là 1,500 đồng/km/CPU. Cả 3 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ) nằm ngoài địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có đặc thù là thu phí liên thông với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức thu phí kín nên khi các trạm tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ (do Công ty BOT Pháp Vân Cầu Giẽ quản lý) tạm dừng thu phí, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và không thể thực hiện được theo quy trình thu phí đã ban hành. VEC đã phải điều chỉnh quy trình thu phí (từ thu phí kín sang thu phí lượt tại một số trạm thu phí).
“Đối với việc tổ chức thu phí 2 tuyến cao tốc nêu trên, trước khi triển khai, ngày 24/7, VEC đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được cơ quan quản lý đường bộ là Chi cục I.3 lập biên bản xác nhận, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ, phối hợp với VEC trong quá trình triển khai tại hiện trường”, đại diện VEC khẳng định.
Ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) cũng khẳng định "không có chuyện đơn vị quản lý cao tốc chặn đường, ép lái xe để thu phí".
Lý giải về việc này, ông Đinh Cao Thắng cho biết, việc "tạm dừng thu" tại các trạm thu phí nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần được hiểu là biện pháp để phòng chống dịch COVID-19, không phải miễn phí cho phương tiện.
"Tạm dừng thu không đồng nghĩa với miễn phí mà vẫn phải thu phí nhưng do các trạm thu phí nằm trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị quản lý cao tốc không có phương án vừa thu phí vừa đảm bảo phòng chống dịch nên phải tạm dừng thu phí. Việc miễn phí chỉ được thực hiện đối với xe chở lương thực, thực phẩm ủng hộ chống dịch", ông Thắng giải thích.
Đối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua nhiều tỉnh, thành phố, trong khi đó chỉ có đoạn thuộc TP. Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không thu phí. Còn xe đi từ các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ Yên Bái, Vĩnh Phúc đều phải lấy thẻ thu phí vào cao tốc. Đây là tuyến cao tốc thu phí theo hình thức thu phí kín, không thể barie giữa đường để phát thẻ thu phí nên bắt buộc đơn vị quản lý đường cao tốc phải phân luồng xe đi ra từ nút giao IC3. Nếu không chặn ở nút giao IC3 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (không thực hiện giãn cách xã hội) sẽ không thu phí được đối với xe đi từ Lào Cai về Hà Nội.
Việc chặn ở nút giao này cũng giúp thu được phí đối với phương tiện đi từ nút giao đi tỉnh Lào Cai. Đối với xe không có thẻ thu phí khi đến các trạm thuộc tỉnh khác thì được xác định xe đó đi từ Hà Nội để thu phí. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đây là biện pháp tổ chức giao thông phù hợp để thu phí đối với đoạn cao tốc thu phí kín nằm trên địa bàn các địa phương không thực hiện giãn cách và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Còn đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, ông Thắng cho hay, giới hạn để thu phí đối với đoạn không thực hiện giãi cách xã hội là trạm thu phí Đại Xuyên (đã dỡ bỏ). Tuyến cao tốc này cũng thu phí theo hình thức thu phí kín, trong khi chỉ tại trạm Đại Xuyên mới có đường ra vào cao tốc. Từ trạm thu phí này đến địa bàn tỉnh Hà Nam (không thực hiện Chỉ thị 16) còn gần 5 km thuộc địa bàn TP. Hà Nội nhưng vẫn thu phí vì hiện nay chỉ tạm dừng thu phí, không phải là miễn phí hoàn toàn cho phương tiện.
Minh Lâm (t/h)