Chủ nhật, 24/11/2024 07:32 (GMT+7)
Thứ tư, 18/05/2022 11:55 (GMT+7)

Tìm lời giải cho bài toán khan hiếm nước sạch vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Cùng với các hiện tượng thiên tai, hạn hán dẫn đến xâm nhập mặn khiến cho nguồn nước sạch tại ĐBSCL, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, ngày càng khan hiếm.

Khan hiếm nước sạch nghiêm trọng

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, dân số khoảng 20 triệu người, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Hơn nửa sản lượng gạo toàn quốc được sản xuất tại vùng này, trong đó bao gồm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, giúp cho việc đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Khu vực này cũng chiếm phần lớn sản lượng thủy sản và hoa quả trên toàn quốc.

Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% số người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, 55% số người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó khoảng 8 triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ 3.853 công trình cấp nước tập trung; 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.

Tuy nhiên, ĐBSCL hiện đã chịu ảnh hưởng thường xuyên của những trận lũ lớn, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm. Đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Việt Nam bởi sự xâm nhập mặn với 1,8 triệu ha diện tích đất bị nhiễm mặn. 

Tại các địa phương như Kiên Giang, đến nay tổng suất các nhà máy nước khu vực đô thị đạt khoảng 58% so với nhu cầu dự báo quy hoạch. Tiến độ các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng mới nâng công suất nhà máy nước chậm so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ thất thu thất thoát nước sạch của các hệ thống còn cao so với chương trình quốc gia. Việc ký kết thỏa thuận dịch vụ, phân vùng, phê duyệt kế hoạch cấp nước hàng năm và dài hạn kiểm soát hợp đồng bán sỉ nước sạch chưa đạt so với kế hoạch được duyệt. Chưa lập, thẩm định, phê duyệt "kế hoạch cấp nước an toàn" theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Tìm lời giải cho bài toán khan hiếm nước sạch vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, kèm theo các hiện tượng thiên tai, hạn hán dẫn đến xâm nhập mặn khiến cho nguồn nước sạch tại ĐBSCL ngày càng khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Quy hoạch cấp nước thuộc các quy hoạch xây dựng đô thị cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế về chỉ tiêu cấp nước, dự báo nhu cầu, mạng lưới đường ống, phân vùng dùng cấp nước, kế hoạch cấp nước hàng năm và dài hạn, vị trí, quy mô, diện tích, công suất các công trình đầu mối.

Mặt khác, các hộ dân sống ở khu vực xa công trình cấp nước tập trung nông thôn, cho nên khó thực hiện mở rộng đường ống cấp nước, như ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre. Nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình bị suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác sử dụng. Bên cạnh đó thiếu dụng cụ trữ nước hộ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt nơi đây.

Trong đó, Cà Mau là địa phương có phần lớn diện tích thấp, ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển và dân cư sống rải rác dễ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt gặp không ít khó khăn, tốn kém.

“Nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao, trung bình khoảng trên 150.000/ngày đêm, dự báo đến năm 2020 tăng lên khoảng 230.000m ngày đêm. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đã phải đối diện với nhiều vấn để như sụt lún, cạn kiệt, ở nhiễm nguồn tài nguyên nước ngầm”, đại diện Sở Xây dựng Cà Mau cho biết.

Theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện cho thấy sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm ở nhiều nơi có thể từ 30cm - 70cm, bình quân khoảng 19cm - 28cm/năm. Dự báo nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm. Điều đó sẽ làm cho địa hình tỉnh Cà Mau ngày càng thấp xuống cùng với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì tỷ lệ diện tích bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn”, đại diện Sở Xây dựng Cà Mau tỏ ra lo lắng khi cho biết.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do tỉnh Cà Mau được bao quanh bởi biển Đông và biển Tây nên tạo thành nhiều vùng giáp nước, điều này làm hạn chế sự lưu thông dòng chảy, nước từ nội đồng không thể thoát ra ngoài làm ô nhiễm nguồn nước mặt.

Giải pháp hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước sinh hoạt năm 2019 - 2020 tại các tỉnh ÐBSCL. Thực tế cho thấy, trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu không đủ nguồn cấp, cả nước mặt lẫn nước ngầm.

Theo TS Trương Thị Hồng Nga (Trường Đại học Xây dựng Miền Tây), một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển xây dựng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu là các đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động hợp tác, sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng có hiệu quả kinh tế cao và thân thiện môi trường nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải chất ô nhiễm, khí nhà kính hay hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề về gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các tỉnh ở vùng đầu nguồn nước, vùng ven biển trọng yếu.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó một số công trình hiện đại được tập trung ưu tiên đầu tư và sớm đưa vào sử dụng các công trình, cụm công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm trong nước, quốc tế.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong vùng và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu giải pháp cấp nước sinh hoạt cho ĐBSCL, trong đó có việc xem xét khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng. Tuy nhiên, đây đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Do vậy, để các dự án cấp nước vùng có cơ sở triển khai một cách hiệu quả, khoa học và đồng bộ, việc kịp thời tổ chức điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2140/QÐ-TTg là rất cần thiết.

Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn liền với xây dựng các công trình hiện đại, bền vững, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là rất quan trọng.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), có nhiều cách để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn trong sinh hoạt, sản xuất, đó là: Cần đánh giá lại tất cả tài nguyên nước hiện có trong vùng, dự báo thay đổi, nhu cầu trong tương lai. Có chiến lược phát triển hệ thống cấp nước sạch ở khắp nơi. Có giải pháp trữ nước trong mùa mưa vì đây là nguồn nước sạch dồi dào cho sinh hoạt.

Đồng thời, tăng cường nhận thức của người dân trong tiết kiệm và sử dụng nước sạch hợp lý; điều chỉnh sản xuất, không nên sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều nước ngọt. Cần tính đến những biện pháp kỹ thuật khác như xây dựng nhà máy xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt; bảo tồn, phổ cập nguồn nước ngầm ở ĐBSCL...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tìm lời giải cho bài toán khan hiếm nước sạch vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới