Chủ nhật, 24/11/2024 10:06 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 17:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10

Theo dõi KTMT trên

Chóng mặt với diễn biến của vàng SJC; Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng kịch trần, VN-Index tăng gần 29 điểm... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 12/10.

Chóng mặt với diễn biến của vàng SJC

Đầu giờ chiều 12/10, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66 – 67 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều 11/10.

Còn tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá mua vào – bán ra hiện ở mức 66,1 – 67 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa hôm 11/10.

Đối với vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn giá giao dịch phổ biến ở mức 51,7 – 52,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng dao động ở vùng 1.668 USD/ounce. So với giá mở cửa phiên giao dịch hôm qua, thì mức giá giao ngay của kim loại quý trên thị trường quốc tế gần như đi ngang. Tuy nhiên, so với mức giá cao nhất trong phiên thì hiện giá vàng thế giới đã giảm khoảng 18 USD/ounce.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10 - Ảnh 1

Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 48,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 18,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đang được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ đồng USD giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác và lãi suất trái phiếu Mỹ cũng rơi nhẹ xuống còn 3,9%/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những người đầu tư vàng miếng SJC giống như đang “ôm bom”, vì không thể dự đoán được xu hướng tăng hay giảm giá. Biến động giá của vàng miếng SJC dường như tách biệt hoàn toàn với các thông tin kinh tế hay địa chính trị… mà chỉ đơn thuần chạy theo cung cầu trên thị trường.

Hiện những người mua vàng miếng SJC từ đầu tháng 3 vừa qua ở vùng 74 triệu đồng/lượng thì đến này đang âm khoảng 9,5% vốn.

Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng kịch trần, VN-Index tăng gần 29 điểm

Sau phiên giảm điểm hôm qua, thị trường chứng khoán trong nước sáng nay bất ngờ hồi phục mạnh mẽ. Trong nhóm VN30, xu hướng tăng chiếm ưu thế với 22 cổ phiếu xanh và 7 mã đỏ. Đến giữa phiên sáng, cổ phiếu ngân hàng bứt tốc với nhiều mã tăng hết biên độ như ACB, STB, CTG, BID giúp VN-Index bật tăng 23,15 điểm (2,3%) lên 1.029,35 điểm, VN30-Index tăng mạnh tới 30,41 điểm (3,04%) đạt 1.032,09 điểm.

Đến giờ nghỉ trưa, VN-Index lấy lại 30,43 điểm (3,02%) lên 1.036,63 điểm. VN30-Index tăng 36,19 điểm (3,61%) đạt 1.037,87 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 4,12 điểm (1,88%) lên 222,89 điểm, UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (1,1%) lên 78,81 điểm.

Nhiều cổ phiếu có mức tăng ấn tượng trên 5% như HPG, MBB, SSI, VIB, TCB, POW, MWG, VCB. Toàn thị trường ghi nhận 485 mã tăng, 883 mã giữ tham chiếu, 187 mã giảm. Ngoài ra có 34 mã tăng trần và 24 mã giảm sàn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10 - Ảnh 2
Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng kịch trần, VN-Index tăng gần 29 điểm.

Bước sang phiên chiều, VN-Index vẫn duy trì nhịp tăng nhờ sự bứt phá của nhóm vốn hóa lớn. Tại thời điểm 14h, VN-Index tăng 29,44 điểm (2,93%) lên 1.035,64 điểm. Trong rổ VN30 có 7 mã tăng trần, bao gồm KDH, ACB, HPG, MBB, STB, BID, CTG.

Đà tăng của các chỉ số tiếp tục được duy trì cho đến hết phiên. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 28,61 điểm, tương đương 2,84%, lên 1.034,81 điểm. VN30-Index tăng 33,25 điểm (3,32%) đạt 1.034,93 điểm. Toàn sàn HoSE có 386 mã tăng giá, 46 mã đứng giá tham chiếu và 96 mã giảm giá.

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm kéo thị trường mạnh nhất với hàng loạt mã tăng kịch trần như BID, CTG, MBB, ACB, STB, SHB, MSB, LPB. Ngoài ra còn có nhiều mã tăng mạnh như VCB tăng 3,23%, TCB tăng 3,33%, VPB tăng 4,23%, SSB tăng 6,27%, HDB tăng 3,7%, TPB tăng 5,94%.

Nhóm chứng khoán cũng giao dịch khả quan khi SSI tăng 6,48%, VND tăng 2,2%, HCM tăng 3,49%, FTS tăng 6,45%, VCI tăng kịch trần. Trong nhóm bất động sản, mhiều cổ phiếu tăng kịch biên độ như KDH, KBC, NLG, HDG.

Tương tự, cổ phiếu các ngành năng lượng, hàng không và bán lẻ cũng diễn biến tích cực. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 4,65 điểm (2,13%) đạt 223,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,99 điểm lên 78,94 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn trong phiên hôm nay đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

Nền kinh tế Anh bất ngờ suy giảm trong tháng Tám năm 2002

Nền kinh tế Anh bất ngờ suy giảm vào tháng 8/2002, sau khi tăng trưởng chậm trong tháng trước đó, chịu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và giá năng lượng tăng cao.

Dữ liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 0,3% trong tháng 8/2022, do hoạt động sản xuất và dịch vụ suy giảm đáng kể.

Kết quả này tồi tệ hơn so với kỳ vọng là tăng trưởng kinh tế Anh sẽ không đổi trong tháng Tám, theo sau mức tăng trưởng mờ nhạt 0,1% trong tháng 7/2022.

Nhà kinh tế trưởng Grant Fitzner của ONS nói: “Nền kinh tế Anh đã suy giảm trong tháng Tám, với hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm trở lại.” Các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng giảm 1,8%, trong đó thể thao, vui chơi và giải trí giảm mạnh nhất.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10 - Ảnh 3

Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu Pantheon Macro, cho biết: “Sự sụt giảm GDP của Anh trong tháng 8/2022 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng giảm sâu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.

Sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi mức giảm 1,8% trong các lĩnh vực dịch vụ hướng đến người tiêu dùng, phản ánh khả năng mức thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ bị thu hẹp."

Lạm phát của Anh trong tháng 8/2022 đứng ở mức 9,9%, gần mức cao nhất trong 40 năm khi giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này.

ONS cho biết thêm, sản lượng dầu và khí đốt giảm do hoạt động bảo dưỡng vào mùa Hè ở khu vực Biển Bắc trong tháng Tám diễn ra nhiều hơn các tháng khác, qua đó tác động đến kết quả tăng trưởng kinh tế của Anh.

Số liệu ảm đạm về GDP của Anh được đưa ra trong bối cảnh thị trường biến động sau khi anh công bố kế hoạch ngân sách mới có nguy cơ làm tăng nợ nần, bao gồm việc “đóng băng” giá năng lượng.

Trước đó, chỉ một ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo về sự suy giảm mạnh đối với nền kinh tế Anh, vốn được ước tính sẽ giảm từ 3,6% trong năm nay xuống chỉ còn 0,3% vào năm 2023.

Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho hay các quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là do giá năng lượng tăng cao.

Ông nói thêm rằng chính phủ của Thủ tướng Liz Truss đã có một "kế hoạch toàn diện” để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp khỏi tình trạng hóa đơn năng lượng tăng vọt trong mùa Đông này.

Tuy nhiên, thị trường đã bị tác động bởi kế hoạch ngân sách của ông Kwarteng, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt và đồng bảng Anh lao dốc, đồng thời dấy lên nhiều đợt can thiệp mua trái phiếu từ Ngân hàng trung ương Anh.

Đồng yen Nhật Bản giảm xuống mức thấp trong 24 năm

Tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua – bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 146,05-06 yen/USD - mức thấp nhất của đồng yen kể từ tháng 8/1998.

Không chỉ giảm giá so với đồng USD, đồng yen cũng mất giá so với đồng euro. Tỷ giá mua – bán giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo vào lúc 9h00 sáng ngày 12/10 được niêm yết ở mức 141,46-57 yen/euro, giảm nhẹ so với mức giá đóng cửa 141,22-26 yen/euro trong phiên giao dịch trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen tiếp tục mất giá so với cả đồng USD và euro là do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản trong phiên họp vào tháng 11 tới, khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hiện vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng ngay cả khi các ngân hàng trung ương lớn khác đang thực hiện việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10 - Ảnh 4

Trước đó, ngày 22/9 vừa qua, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết Mỹ sẽ kiểm soát được tình hình lạm phát, đồng thời phát tín hiệu trong thời gian tới lãi suất có thể tăng mạnh hơn nữa so với dự báo của các nhà đầu tư.

Các quan chức FED dự báo lãi suất có thể đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023, cao hơn so với ước tính được đưa ra trước đó. Điều này đồng nghĩa với lãi suất có khả năng tăng thêm 0,75% sau cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay nhằm kiểm soát tình hình lạm phát.

Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để “hạ nhiệt” nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn.

Ngay sau quyết định của FED, tỷ giá đồng yen/USD trên thị trường Tokyo đã vượt ngưỡng 145 yen/USD lên mức 145,9 yen/USD, buộc Bộ Tài chính Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà giảm giá của đồng yen thông qua biện pháp bán USD mua yen.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới