Chủ nhật, 24/11/2024 10:33 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/8

Theo dõi KTMT trên

Hơn 190.000 giao dịch nộp lệ phí trước bạ điện tử qua ngân hàng; Đức cam kết có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn khi giá năng lượng tăng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 12/8.

Hơn 190.000 giao dịch nộp lệ phí trước bạ điện tử qua ngân hàng

Theo Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/7/2022, số lượng tờ khai điện tử dịch vụ khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy tại Cục Thuế TP Hà Nội là 58.759 hồ sơ trên tổng số 211.432 hồ sơ, đạt tỷ lệ 27,79%; tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh là 70.404 hồ sơ trên tổng số 298.048 hồ sơ, đạt tỷ lệ 23,62%.

Cơ quan thuế đã kết nối với 8 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking. Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/7/2022, đã có 192.370 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy trên cả nước qua hình thức ibanking và mobile banking.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 1
Hơn 190.000 giao dịch nộp lệ phí trước bạ điện tử qua ngân hàng.

Dịch vụ khai điện tử tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà): Tổng cục Thuế đã triển khai tại 63 Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã có 843.547 tài khoản đăng ký, số tờ khai đã nhận từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/7/2022 là 135.938 tờ khai.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng là 849.036 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,18%. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/7/2022, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 2.199.345 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 420.988 tỷ đồng và 39.216.253 USD.Kết quả triển khai eTax Mobile đến ngày 15/7/2022 như sau: đã có 84.713 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 52.800 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 264 tỷ đồng.

Đức cam kết có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn khi giá năng lượng tăng

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết người dân nước này sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ do lạm phát cao và giá năng lượng ngày càng tăng.

Ngoài gói hỗ trợ tổng trị giá 30 tỷ euro (31 tỷ USD), Thủ tướng Scholz cam kết sẽ “làm mọi thứ có thể để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh gói tài chính trên hướng đến tất cả các nhóm dân cư, không ai bị bỏ lại và phải đối mặt với những vấn đề nan giải và không ai phải gánh vác những thách thức liên quan đến giá cả tăng một mình.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 2
Một trạm bơm xăng dầu, khí đốt tại Essen, Đức, ngày 8/3/2022. 

Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát ở Đức vẫn ở mức cao 7,5% trong tháng 7/2022. Trong tháng 5/2022, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu lên tới 7,9%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên vào năm 1973.

Ông Georg Thiel, người đứng đầu Destatis, cho biết mặc dù các biện pháp của chính phủ có “hiệu ứng giảm dần” như giá vé phương tiện giao thông công cộng rẻ 9 euro và giá nhiên liệu giảm, “nguyên nhân chính của lạm phát cao vẫn là giá các sản phẩm năng lượng tăng”.

Destatis cho biết giá các sản phẩm năng lượng trong tháng 7/2022 đã tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá dầu sưởi tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tăng 75,1%.

Để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới, Chính phủ Đức đã thực hiện các biện pháp lấp đầy các kho chứa khí đốt. Các nhà máy nhiệt điện than đã được cho phép hoạt động trở lại nhằm thay thế lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ trong sản xuất điện.

Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân. Tất cả các nhà máy than sẽ được loại bỏ khỏi lưới điện vào năm 2030, và các nhà máy hạt nhân cuối cùng của đất nước vẫn được lên kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn chậm nhất là vào cuối năm 2022.

Thủ tướng Scholz cho biết chính phủ đang thảo luận xem liệu có hợp lý và cần thiết để giữ ba nhà máy điện hạt nhân hiện tại hoạt động lâu hơn một chút hay không. Tuy nhiên, ông cho biết tiết kiệm năng lượng sẽ vẫn cần thiết.

Chính thức bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô từ 1/10

Ngày 12/8, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô.

Theo đó, cơ quan này bãi bỏ Quyết định số 28/2004, Quyết định số 05/2005 và Thông tư 05/2012 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô. Thông tư do Thứ trưởng Lê Xuân Định ký có hiệu lực từ ngày 1/10.

Như vậy, sau gần 20 năm, quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu được Bộ này ban hành chính thức được bãi bỏ. Bởi các quy định nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ôtô.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/8 - Ảnh 3
Chính thức bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô từ 1/10.

Trước đây nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu.

Mục đích của quy định này chính là để phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô (tính điểm theo mức độ rời rạc).

Tiết kiệm được 66.781 tỷ đồng tiền điện trong giai đoạn 2010-2021

Theo báo cáo của EVN, giai đoạn 2010-2021 cả nước đã tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện (tạm tính giá điện bình quân bằng 1.800đ/kWh).

Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện hiệu quả hơn.

Để đạt được những kết quả khả quan của chương trình tiết kiệm điện trong giai đoạn 2010-2021, EVN đã triển khai sâu rộng các hoạt động như: Tuyên truyền tiết kiệm điện; quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); triển khai chương trình Giờ trái đất; các hoạt động gia đình tiết kiệm điện; thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ hộ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact cho cây thanh long ra hoa trái vụ; giảm tổn thất điện năng; đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới