Chủ nhật, 24/11/2024 10:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/08/2022 18:10 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8

Theo dõi KTMT trên

Từ 10/8 tạm dừng thủ tục hải quan tại kho xăng dầu chưa có thiết bị đo bồn bể; Giá dầu thô xuống thấp nhất 6 tháng, giá xăng sắp giảm tiếp; Vốn chủ âm gần 5.000 tỷ, Vietnam Airlines chuẩn bị phương án tăng vốn... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 5/8.

VNDirect Research: VN-Index dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm trong tháng 8

Theo các chuyên gia của VNDirect Research, do chưa hội tủ đủ các yếu tố hỗ trợ mạnh về kỹ thuật, nên kỳ vọng VN-Index dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm trong tháng 8 này. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng 1.220 - 1.230 điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của VN-Index là vùng 1.250 - 1.260 điểm. Ngưỡng hỗ trợ của thị trường quanh 1.180 điểm.

Do đó, “nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro” - VNDirect Research.khuyến nghị.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 1
VN-Index dao động trong biên độ 1.180 - 1.260 điểm trong tháng 8.

Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, VNDirect Research nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia này, vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, VNDirect Research nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện như lạm phát toàn cầu có khả năng hạ nhiệt. Cùng với đó là việc FED giảm cường độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên kế hoạch tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Các chuyên gia của VNDirect Research khuyến nghị các rủi ro đối với thị trường bao gồm: lạm phát cao hơn dự kiến do giá lương thực tăng và đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái, lãi suất và đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giống như hầu hết các thị trường mới nổi trong 6 tháng đầu năm, khiến VN-Index giao dịch ở mức gần như thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam nổi bật hơn các thị trường chứng khoán mới nổi khác với mức tăng trưởng EPS mạnh trong năm 2022 - 2024. Tính đến ngày 25/7, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E bằng 12,5 lần, đã chiết khấu 28% so với mức đỉnh trong năm nay và chiết khấu 24% so với mức P/E trung bình 5 năm.

Trưởng Ban Kinh tế TƯ: Cần chú trọng phát triển các ngành dịch vụ công nghệ cao

Ngày 5/8, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Các báo cáo chính của Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Những xu hướng du lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; Tương lai của sự phát triển dựa vào dịch vụ; Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Một số đề xuất, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam...

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia ở các lĩnh vực trong ngành dịch vụ đã đóng góp ý kiến để phát triển ngành theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để gia tăng giá trị.

Theo các số liệu thống kê, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm và hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.

Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Từ 10/8 tạm dừng thủ tục hải quan tại kho xăng dầu chưa có thiết bị đo bồn bể

Tổng cục Hải quan cho biết, đến ngày 10/8, sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho xăng dầu chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan không xác nhận lượng xăng dầu tái xuất và tiến hành thu thuế xăng dầu tạm nhập cho đến khi các doanh nghiệp lắp đặt trang thiết bị đo mức bồn, bể tự động và kết nối với cơ quan hải quan đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định số 67/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 2
Đến ngày 10/8 sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho xăng dầu chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan.

Trước đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, chống gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, ngày 15/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/8/2020; trong đó quy định các kho xăng dầu (khu vực lưu giữ xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất) phải lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan.

Giá dầu thô xuống thấp nhất 6 tháng, giá xăng sắp giảm tiếp

Ngày 5/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 ở mức 86,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 93,67 USD/thùng, giảm 3,64 USD/thùng nếu so với phiên giao dịch trước đó. Giá dầu thô về mốc tương đương mức giá trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra và thấp nhất trong 6 tháng qua.

Một trong các nguyên nhân khiến giá dầu thô lao dốc do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu yếu, khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, tiềm ẩn rủi ro kinh tế.

Cùng với đó, giá dầu thô giảm mạnh do thị trường chịu áp lực tâm lý từ việc OPEC+ quyết định tăng sản lượng trong tháng 9/2022. Dự kiến, sản lượng tháng 9/2022 của OPEC+ sẽ tăng thêm 100.000 thùng dầu/ngày.

Giá dầu thô giảm cũng góp phần kéo giảm giá xăng dầu thương phẩm. Theo cập nhật dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu hiện nay ở mức 113 USD/thùng – tương đương giá nhập khẩu vào tháng 2/2022. Tại thời điểm tháng 2/2022, giá xăng dầu ở mốc 25.332 đồng/lít và chưa giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu giữ ở mức này cùng với việc áp chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục giảm.

Sau kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/8, tại thị trường trong nước, hiện nay, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 25.608 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít.

Vốn chủ âm gần 5.000 tỷ, Vietnam Airlines chuẩn bị phương án tăng vốn

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) vừa có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát.

Vietnam Airlines cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp.

Dẫu vậy, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm một số yếu tố tiêu cực phát sinh như xung đột chiến tranh Nga - Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến khai thác quốc tế của Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất đều gia tăng, công ty này vẫn tiếp tục lỗ trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8 - Ảnh 3
Vốn chủ âm gần 5.000 tỷ, Vietnam Airlines chuẩn bị phương án tăng vốn.

Hãng hàng không này tin tưởng theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm 2022 và năm 2023.

Trong đề án này, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.

Đầu tiên, hãng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau. Thứ 2 là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Trong kế hoạch nêu lần 1, tổng công ty cho biết sẽ triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ (sale and leaseback - nghiệp vụ S&L); thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính.

Cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng lưu ý các giải pháp trên chỉ được triển khai sau khi Đề án cơ cấu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cổ đông Nhà nước và đại hội đồng cổ đông cùng thông qua.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát và cảnh báo việc lợi dụng tăng giá cước vận tải

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và sở giao thông vận tải các địa phương về việc tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Sở giao thông vận tải các địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá của các đơn vị với yếu tố đầu vào, đặc biệt chi phí xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp kê khai và giảm giá kịp thời. Báo cáo kết quả về bộ trước ngày 20/8.

Các cơ quan quản lý đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt của Bộ Giao thông vận tải cũng được yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo phù hợp với diễn biến giá xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện giảm kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, đưa các khoản phụ thu bất hợp lý để thu cao hơn giá kê khai, niêm yết. Kết quả báo cáo về bộ trước ngày 25/8.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông theo dõi giá vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không để ảnh hưởng tới tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới