Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 13:54 (GMT+7)

[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy

Theo dõi KTMT trên

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.

[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy - Ảnh 1
[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy - Ảnh 2

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trước hết cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu..., trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng.

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Có thể thấy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên được giảm mức độ ưu tiên và được thay thế bằng các ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn, như du lịch, hàng hải...

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng, khẩn trương hoàn thiện: các văn bản quy phạm pháp luật trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý nhà nước; hồ sơ hai nhiệm vụ lập quy hoạch trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ...

Đặc biệt, Tổng cục cần tổ chức tốt các đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra, làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị của địa phương; Tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (công tác cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển; Cấp phép cho việc nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam; Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; công tác khảo sát, cấp phép đo đạc, khảo sát điện gió).

[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy - Ảnh 3

Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có các công văn góp ý dự thảo chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Danh mục các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Cà Mau. Tổng cục cũng đã triển khai hướng dẫn và phối hợp với các địa phương trong công tác giao khu vực biển; công tác quy hoạch biển; quản lý tài nguyên hải đảo; Cấp giấy phép nhận chìm ở biển, kiểm soát môi trường biển, đảo…

Các nội dung hướng dẫn, phối hợp phần nào đã giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2022, Tổng cục tiếp tục tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Tập trung thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy - Ảnh 4

Mới đây, trong Hội thảo: Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khoảng 20 khu kinh tế ven biển của Việt Nam đang phát triển nhưng chưa thể trở thành nền tảng phát triển đô thị biển chiến lược.

Cách tư duy phát triển khu kinh tế ven biển chưa được ưu tiên xứng tầm. Ta còn đang thiếu cơ chế đặc thù để phát triển đô thị biển. Do đó, cần phải nhìn lại và đánh giá các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị biển một cách rõ ràng hơn, ông Thiên nói.

Về giải pháp để phát triển đô thị biển, ông Thiên cũng cho rằng, phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.

Cần có tư duy, cơ chế trao quyền, phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Động lực phát triển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân.

Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm lợi ích hài hòa của người dân tại khu vực đó, cũng như lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước.

Thứ hai, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển.

Thứ ba, Cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.

Để hệ thống đô thị biển nước ta phát triển xứng tầm, để triển khai Chiến lược biển 2030 và thực hiện “Khát vọng Việt Nam”, ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, có quá nhiều việc phải làm.

[Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy - Ảnh 5

Trong đó cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, trong đó cần xác định không gian đô thị biển. Cụ thể, cần xem xét, cân nhắc và chú ý xử lý một số/nhóm vấn đề dưới đây:

Thứ nhất, công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn; thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa.

Thứ hai, xác định mô hình đô thị biển như là một “Hệ sinh thái đô thị biển” đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng. Nó có đầy đủ chức năng và cấu trúc của một phức hệ sinh thái tự nhiên – nhân sinh, có các dòng vật chất tương tác bên trong và bên ngoài hệ thống. Mô hình đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển vừa phải hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh và vừa có tính đặc thù vùng miền.

Thứ ba, cần sớm phát triển mô hình đô thị biển cấu trúc đa chiều, vì đô thị vốn là một thực thể mang tính nhân văn, hay nói cách khác cũng là một hệ sinh thái “nhân sinh”, được con người tạo ra từ chính các nguồn lực tự nhiên (tài sản và vốn tự nhiên).

Thứ tư, cần chú ý làm rõ chức năng trung tâm của hệ sinh thái đô thị biển. Một hệ sinh thái đô thị bao giờ cũng là thành phần của một hệ thống lớn hơn và đồng thời lại bao chứa một hoặc nhiều hệ thống nhỏ hơn.

Thứ năm, cần lưu ý, mỗi hệ thống (tự nhiên và nhân sinh) đều có 3 thuộc tính (đặc trưng) vốn có: tính vượt trội, tính đa dụng và tính liên kết (liên kết nội tại và liên kết vùng).

Được biết, sau hội thảo này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ xây dựng văn bản kiến nghị về những vấn đề mà hội thảo nêu ra để gửi tới Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan nhằm đưa ra góc nhìn về kinh tế, chính sách, pháp lý góp phần phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết [Longform] Phát triển kinh tế biển: Giá trị "biển bạc" vẫn chưa được phát huy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới