Chủ nhật, 24/11/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/9

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng lần thứ ba giảm mạnh, giá dầu giảm 1.650 đồng/lít; Chứng khoán Việt thấp thỏm trước cuộc họp của Fed... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 21/9.

Giá xăng lần thứ ba giảm mạnh, giá dầu giảm 1.650 đồng/lít

Theo đó, giá xăng RON95 giảm 630 đồng/lít, giá bán là 22.580 đồng/lít. Xăng E5 giảm 450 đồng/lít, giá bán là 21.780 đồng/lít. Mức giá này giảm về mức tương đương thời điểm tháng 10/2021. Đây cũng là lần thứ ba giá xăng giảm liên tiếp.

Như vậy, đến nay, mặt hàng xăng đã có 25 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 11 lần giảm, một lần giữ nguyên. Với lần giảm giá này, giá xăng đã giảm mạnh so với mức giá đỉnh là 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6, tức giá hiện tại đã thấp hơn thời điểm giá xăng dầu bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine.

Giá dầu diesel cũng giảm mạnh, 1.650 đồng/lít, giá hiện tại không cao hơn 22.530 đồng/lít.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/9 - Ảnh 1
Giá xăng lần thứ ba giảm mạnh, giá dầu giảm 1.650 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, ngoài việc ngừng chi Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 450 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 90 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước).

Ngày 15/9, tại họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt. Giá xăng dầu tác động rõ rệt tới rổ hàng hóa (lương thực thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ) trong nước.

"Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới", ông Thanh nói.

Chứng khoán Việt thấp thỏm trước cuộc họp của Fed

Cuộc họp về chính sách tiền tệ của Fed đang là mối quan tâm lớn nhất của giới tài chính toàn cầu trong thời điểm này. Nhà đầu tư đang thấp thỏm chờ đợi những thông tin chính thức được công bố vào tối 21/9.

Chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi chịu tác động từ biến động kinh tế quốc tế. Trong đó cuộc họp của Fed sẽ có tác động quan trọng đến diễn biến lãi suất và tỷ giá USD, qua đó ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền trên thị trường tài chính.

Trước đó, phần lớn các đơn vị phân tích chứng khoán ở Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán đứng ngoài quan sát. Điều đó đang thể hiện ở sự suy yếu của dòng tiền mua, đẩy các chỉ số chứng khoán giảm điểm và thanh khoản cạn kiệt trong 3 phiên đầu tuần.

"Chúng ta không thể chắc chắn được câu chuyện Fed hành xử theo chiều hướng nào vào tối nay. Tâm lý nhà đầu tư vẫn là chờ đợi và quan sát, điển hình là thanh khoản hôm nay không nhiều", Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng nhận định.

Thực tế trong phiên giao dịch 21/9, VN-Index chìm trong sắc đỏ với mức giảm hơn 8 điểm về mốc 1.210 điểm. Thanh khoản cũng tụt dốc khi nhà đầu tư đứng ngoài quan sát với giá trị giao dịch tại HoSE về dưới 10.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay.

Ông Hưng nhận thấy thị trường trong những ngày Fed ra quyết định sẽ có biến động cao hơn bình thường do lãi suất tăng luôn không tốt cho chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường vẫn có khả năng có nhịp hồi sau tin chính thức và sau đó sẽ trở lại đúng quỹ đạo.

"Tôi cũng thấy có sự chờ đợi diễn ra trên thị trường hàng hóa, các sản phẩm có xu hướng giao dịch trong biên độ thấp", ông Nguyễn Minh Tuấn - Chuyên gia phân tích trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/9 - Ảnh 2
Chứng khoán Việt thấp thỏm trước cuộc họp của Fed.

Thị trường hàng hóa có đặc tính phản ứng rất nhạy cảm với các thông tin về lãi suất bởi liên quan đến chi phí vốn, chi phí tồn kho, hedging... do đó thị trường đang chờ đợi tín hiệu từ Fed để có sự biến động lập tức.

Giới đầu tư đang đặt khả năng cao Fed tăng 75 điểm phần trăm và quan chức Fed cũng rất cứng rắn về việc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ông Tuấn cho rằng cần phải quan sát thêm liệu có khả năng tăng 100 điểm hoặc các ngôn từ của Fed có trở nên mạnh mẽ hơn.

Dự báo về các tác động, chuyên gia phân tích hàng hóa cho rằng khá nhiều nhóm ngành có thể bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, đặc biệt là các ngành sử dụng đầu vào là các loại hàng hóa nhập khẩu khác.

"Một số nhóm có đầu vào phải nhập khẩu như các ngành chăn nuôi, năng lượng, ngành nhựa... với lượng nhập khẩu lớn nên khi giá cả biến động thì có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh", ông Tuấn dự báo.

Thêm nữa, các mặt hàng liên quan đến chính sách tiền tệ như dầu khí và kim loại quý cũng là 2 mặt hàng bị tác động nhiều; trong đó giá dầu có thể có sự điều chỉnh để tạo một vùng giá cân bằng mới.

Dù vậy cũng có một số mặt hàng "miễn nhiễm" với thông tin như khí đốt và nông sản. Chẳng hạn các mặt hàng nông sản liên quan chiến sự Nga - Ukraine sẽ phụ thuộc vào các thông tin cung cầu, chính trị nhiều hơn là chính sách tiền tệ.

Kinh tế trưởng SSI đồng quan điểm khi cho rằng tác động của Fed sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hàng hóa bị "tài chính hóa" bởi tỷ giá, do mặt bằng lãi suất tăng thì các chi phí đầu tư liên quan cũng cao lên.

Trong khi đó, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ bị tác động trong dài hạn hơn. Hoạt động bán lẻ liên quan mật thiết đến các yếu tố sức mua trong thị trường nội địa, còn các yếu tố bên ngoài sẽ có ảnh hưởng "từ từ".

"Đối với ngành ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị khá sớm về chuyện Fed tăng lãi suất", chuyên gia SSI nhận định.

Vị này giải thích mức lãi suất của Việt Nam thời gian qua đã nhúc nhích tăng lên. Việc lãi suất qua đêm luôn luôn ở mức 4-5%/năm đã tạo ra một chênh lệch khá lớn với lãi suất USD ở hiện tại.

Do đó, ông Hưng nói rằng quyết định của Fed sẽ không có ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng trong nước vì đã có sự chuẩn bị khá tốt. Ảnh hưởng nếu có đến ngành này chủ yếu liên quan đến các yếu tố khác.

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh kỹ thuật số

Ngày 21/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Chỉ số toàn cầu về các hệ thống kỹ thuật số doanh nghiệp (GIDES) xếp hạng môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ các nhà quản trị doanh nghiệp.

Trong bảng xếp hạng, Singapore có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ tốt nhất thế giới.

Mỹ đứng thứ 2, trong khi đó Thụy Điển đứng thứ 3 trong số 113 nền kinh tế. Tuy nhiên, 17 trong số 21 nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đứng cuối bảng xếp hạng.

GIDES là một phần báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á 2022 của ADB.

Chỉ số này đánh giá chất lượng môi trường cho doanh nghiệp kỹ thuật số dựa trên mức độ số hóa trong 8 lĩnh vực gồm văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, cơ sở hạ tầng, nhân lực, tri thức, tài chính và khả năng kết nối mạng.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB nhận định: “Môi trường kinh doanh kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch COVID-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới hậu đại dịch. Để được như vậy, các quốc gia cần đưa ra các chính sách có lợi và các biện pháp khuyến khích để tạo môi trường hỗ trợ”.

Lạm phát khiến lợi nhuận của Ford giảm 1 tỷ USD, giá cổ phiếu lao dốc

Trong thông báo của mình, Ford cho biết, lạm phát tác động tới chi phí đầu vào ở mức tệ hơn so với dự kiến của doanh nghiệp. Điều này có thể khiến lợi nhuận của Công ty giảm khoảng 1 tỷ USD trong quý III/2022 so với dự báo trước đó. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của Ford trong quý III sẽ nằm trong khoảng 1,4 - 1,7 tỷ USD, so với mức 3,7 tỷ USD trong quý II/2022.

Bên cạnh đó, với việc các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị đứt gãy, Ford sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối cho tới cuối quý III.

Ông Ryan Brinkman, chiến lược gia JPMorgan nhận định, vấn đề lạm phát sẽ tiếp tục tác động tới lợi nhuận của Ford cho tới hết năm 2023.

“Lạm phát cao khiến các chi phí đầu vao cao hơn, chưa kể các vấn đề về thiếu chip và đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là lý do chúng tôi hạ dự báo lợi nhuận trước thuế của Ford từ 12,7 tỷ USD xuống 12,2 tỷ USD năm 2023”, Brinkman cho biết.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/9 - Ảnh 3
Lạm phát khiến lợi nhuận của Ford giảm 1 tỷ USD, giá cổ phiếu lao dốc.

Sau khi Ford hạ dự báo lợi nhuận, giá cổ phiếu của Công ty lập tức giảm 13% trong phiên giao dịch ngày 20/9, khiến giá trị thị trường bốc hơi 7 tỷ USD, trở thành ngày giao dịch tồi tệ nhất của Ford trong 11 năm qua, theo số liệu của FactSet.

Ford trở thành doanh nghiệp mới nhất lên tiếng nêu bật khó khăn xuất phát từ chuỗi cung ứng và lạm phát, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cũng tăng trưởng chậm lại.

Trước đó, một ông lớn khác là FedEX cũng cảnh báo về tình hình khó khăn của hoạt động kinh doanh. Cụ thể, CEO FedEX chia sẻ, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào suy thoái. Công ty dự kiến phải giảm chi phí bằng việc giảm các chuyến vận chuyển, đóng cửa 90 cửa hàng, 5 văn phòng và giảm số giờ làm…

Với việc các ông lớn đầu ngành cũng lao đao vì lạm phát, giới đầu tư lo ngại đây chỉ là những phát súng đầu cho một mùa báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chấp nhận hy sinh tăng trưởng. Fed sẽ có phiên họp chính sách vào ngày 20-21/9 và nhiều khả năng tiếp tục nâng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới