Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/9
Khởi động Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022; NHNN tiếp tục đốc thúc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 8/9.
Các ngân hàng chính thức nhận được 'room' tín dụng mới
ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Tuy nhiên, trong thông cáo trên, cơ quan điều hành tiền tệ không đề cập đến mức điều chỉnh cụ thể đối với từng ngân hàng, hay ngân hàng nào được nới, ngân hàng nào không? Đây cũng là câu hỏi đang được thị trường quan tâm.
Theo cập nhật của VnEconomy, hiện có 15 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng lần này. Đồng thời, đến sáng nay (8/9), lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã xác nhận với VnEconomy về hạn mức được tăng thêm.
Cụ thể, đại diện VIB xác nhận tỷ lệ điều chiều chỉnh room là 3%. Tương tự, lãnh đạo Agribank và VPBank cũng lần lượt xác nhận được điều chỉnh 3,5% và 0,7%.
Lãnh đạo cao cấp SHB cho biết room được điều chỉnh của ngân hàng lần này là 3,2%. Còn mức điều chỉnh tại LienVietPostBank là dưới 1% và TPBank là 1,2%. Trong khi, lãnh đạo OCB xác nhận "khoảng thế" khi được hỏi về tính chính xác của con số nới room thêm 3,1%.
Ngoài ra, một lãnh đạo Vietcombank cũng đã xác nhận tỷ lệ room được điều chỉnh lần này là 2,7%. Lãnh đạo cao cấp của MB cũng xác nhận tỷ lệ này tại ngân hàng là 3,2%. Đây là điều khá bất ngờ khi trước đó, thị trường dự báo tỷ lệ được điều chỉnh của Vietcombank và MB sẽ cao nhất trong hệ thống, do đang nhận hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, phù hợp với tiêu chí nới room của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất lần này gọi tên Sacombank với 4%. Chia sẻ với VnEconomy, lãnh đạo ngân hàng Sacombank xác nhận và cho biết: “Có vẻ thông tin này không còn “mật” nữa”.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.
“Về mức độ tăng thêm không đồng đều, chủ yếu do hồi đầu năm, một số ngân hàng đã được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nay mức độ cấp thêm sẽ ít hơn so với các ngân hàng còn lại”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Được biết, trong năm 2022, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng. Các năm trước, nhà điều hành thường có 1-2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Khởi động Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022
Ngày 8/9 tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức Lễ khởi động và ký kết hợp tác Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam là một báo cáo thường niên, chuyên cập nhật các thông tin về đổi mới sáng tạo mở dành cho doanh nhân, công ty khởi nghiệp, tập đoàn lớn và nhà đầu tư tại Việt Nam cũng như toàn cầu.
Đáng chú ý, nguồn dữ liệu trong báo cáo được tư vấn, bảo đảm uy tín thông qua đội ngũ hơn 50 chuyên gia đầu ngành và các nhà sáng lập startup hàng đầu.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN chia sẻ: “Năm 2021 là bước thử nghiệm đầu tiên khi chúng ta mạnh dạn làm báo cáo toàn cảnh về đổi mới sáng tạo mở. Năm nay, nội hàm của báo cáo sẽ đề cập nhiều hơn đến hệ sinh thái và những người xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Nhìn vào những dữ liệu, phân tích từ các chuyên gia, chúng ta sẽ rút ra được những định hướng bổ ích”.
Được biết, năm 2022 là năm thứ 2 Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam được thực hiện với tên gọi “Vùng đất sáng tạo” để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo mở phổ biến ngày một sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó, báo cáo sẽ được phát hành chính thức tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vào cuối năm nay.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Quất tại lễ khởi động, trong Hội nghị giao ban vùng các tỉnh phía bắc, Bộ KH-CN đã công bố kế hoạch triển khai chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng được Bộ KH-CN nêu lên chính là đo lường chỉ số đổi mới sáng tạo của các địa phương, nhằm phát huy thế mạnh đặc thù, từ đó định hướng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ông Quất kỳ vọng BambuUP sẽ cùng các đối tác chiến lược, cùng cộng đồng, các hiệp hội doanh nghiệp, sở ngành, Đoàn thanh niên… đồng hành trong thử thách này. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư, cũng như sự tham gia của các tổ chức có kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái địa phương… là điều vô cùng quan trọng.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN nhấn mạnh: “Những nhận định của chuyên gia rất có giá trị với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo bộ ngành. Bộ KH-CN rất mong muốn nhận được những phân tích liên quan đến ngành nghề thế mạnh của địa phương, sự liên kết vùng để đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo sự đồng nhất, sự giao thoa nhất định giữa các địa phương”.
NHNN tiếp tục đốc thúc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM), Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Ngoài ra, cần rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
NHNN cũng yêu cầu các NHTM quán triệt, động viên tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), thành lập đường dây nóng (Số điện thoại, Email) tại Hội sở chính ngân hàng thương mại để nắm bắt phản ánh từ khách hàng và kịp thời xử lý, không để khách hàng phản ánh tới các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí về việc không tiếp cận được chính sách từ ngân hàng thương mại.
Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với NHNN, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
NHNN các tỉnh thành cần theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền tại địa bàn và kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN các vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, cần phối hợp các sở, ngành, hiệp hội tại địa phương tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề về chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng trên địa bàn, đặc biệt là các khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất; nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Trước đó, ngày 16/8, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.
Theo nội dung của Chỉ thị, NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ, ngành có liên quan để triển khai cho vay, giải ngân kịp thời và hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, nhà điều hành đã phải ban hành 2 văn bản đốc thúc các NHTM đẩy mạnh giải ngân chương trình này. Điều này cho thấy, việc giải ngân đến thời điểm này vẫn còn đang rất chậm, tương đương với việc có rất ít đối tượng khách hàng được tiếp cận gói này.
Kinh tế Hàn Quốc đối mặt nhiều nguy cơ
Nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ phức tạp khi giá trị của đồng won tiếp tục giảm sâu và thâm hụt thương mại ngày càng tăng.
Tỷ giá hối đoái đồng won so với USD tại thị trường ngoại hối Seoul đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/9 ở mức 1.384,2 won đổi 1 USD.
Đây là lần đầu tiên tỷ giá won/USD vượt mốc 1.380 won đổi 1 USD trong hơn 13 năm, kể từ sau tháng 4/2009 - thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đồng won liên tục giảm giá trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu có thể tăng thêm 0,75% lãi suất cơ bản vào cuối tháng 9.
Ngoài ra, việc Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu làm dấy lên nhiều lo ngại về khó khăn đối với nền kinh tế châu Âu, theo đó đồng USD càng tăng giá. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/9 ở mức 2.376,46 điểm, giảm 33,56 điểm (1,39%).
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 7/9 cho biết cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 vừa qua đã thâm hụt 1,18 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2014.
Theo số liệu của BOK, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 7 tăng 6,9% nhưng nhập khẩu tăng tới 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhập khẩu nguyên vật liệu tăng tới 35,5%; nhập khẩu năng lượng như dầu thô, than đá, khí thiên nhiên, chế phẩm dầu mỏ tăng vọt 73,7% so với 1 năm trước.
BOK cho rằng sở dĩ mức thâm hụt tăng cao như vậy là do giá nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng trên thị trường thế giới tăng cao trong khi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm mạnh.
Giới phân tích nhận định rằng khả năng đồng won có thể giảm mạnh xuống mức 1.500 won/ USD trong tương lai gần nếu Mỹ nâng mức lãi suất cơ bản lên 3,4% vào cuối năm nay.
Trong tình huống đó, thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Theo các chuyên gia, với kịch bản đó, nếu BOK tăng lãi suất bổ sung, thì nền kinh tế Hàn Quốc khó có thể chịu đựng chênh lệnh tỷ giá ngày càng nới rộng giữa đồng won và USD.
Nhiều ý kiến khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng áp dụng đồng bộ các biện pháp tổng thể đề ngăn chặn sự suy giảm của đồng nội tệ và thâm hụt cán cân thương mại.
Minh Anh