Chủ nhật, 24/11/2024 09:36 (GMT+7)
Thứ năm, 08/09/2022 14:55 (GMT+7)

Đảm bảo hài hòa trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học là 2 Quy hoạch rất quan trọng trong việc đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao và xếp vị trí thứ 16 trên thế giới. Đa dạng sinh học của Việt Nam thể hiện ở đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.

Mới đây, Tổng cục Môi trường đã báo cáo dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 2 Quy hoạch rất quan trọng trong việc đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Trong đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là quy hoạch môi trường mang tính tổng thể đầu tiên, được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý và xuất phát từ thực tiễn, thống nhất với các quy hoạch khác và định hướng phát triển của địa phương.

Đảm bảo hài hòa trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp về báo cáo dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, thời gian qua, Việt Nam đã đưa vào các văn bản Luật những quy định yêu cầu các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện đánh đánh giá tác động đa dạng sinh học. Nội dung phải này đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định rõ nội dung của báo cáo ĐTM phải nhận định, đánh giá hệ thực, động vật, xem xét đến mối quan hệ giữa sinh vật với hệ sinh thái. Đánh giá mức độ tác động đa dạng sinh học đến khu vực, đến hệ sinh thái, đến hiện trạng sử dụng và sự can thiệp về sự bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, báo cáo ĐTM phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, trong Báo cáo về dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm tăng diện tích, chất lượng và các dịch vụ sinh thái của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã và nguồn gen, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, hình thành hệ thống các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng trên phạm vi toàn quốc. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc để bảo vệ, bảo tồn, phát triển hài hòa với môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.

Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường trên phạm vi cả nước có chất lượng tốt, trong lành và an toàn, các tác động xấu gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả; các di sản thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên quan trọng, đa dạng sinh học được gìn giữ và bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Suy giảm đa đạng sinh học tại Việt Nam đang tăng theo thời gian

Theo Sách đỏ năm 2007, số lượng các loài bị đe doạ tuyệt chủng có khoảng 900 loài nhưng hiện nay ước tính tăng lên hơn 1200 loài. Các hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang phải đối diện với nhiều thách thức trước áp lực phát triển kinh tế, việc săn bắt, sử dụng trái phép động vật hoang dã và biến đổi khí hậu… Đáng lo ngại là mức độ đe doạ cũng tăng lên theo thời gian.

Với các áp lực đe dọa chính như mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt... trong đó, việc sử dụng tài nguyên không hợp lý đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật; hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật; phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo Danh lục Đỏ IUCN (2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo hài hòa trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới