Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/9
Phó Thủ tướng: Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đối với xăng dầu; Ấn Độ áp thuế và cấm xuất khẩu một số loại gạo... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 9/9.
Phó Thủ tướng: Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đối với xăng dầu
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.
Thông báo nêu rõ, trong 8 tháng đầu năm 2022, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi.
Tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới trong 4 tháng còn lại của năm 2022 còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành giá phải bám sát tình hình thế giới, không được chủ quan, lơ là, đảm bảo cung cầu trong nước để ổn định kinh tế. Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Đáng chú ý, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát.
Hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu; trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
Ngoài xăng dầu, Phó Thủ tướng cũng có những chỉ đạo trong công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng khác như dịch vụ lưu trú, du lịch; phân bón và thức ăn chăn nuôi...
Đề xuất giảm đến 50% một số khoản phí lĩnh vực giao thông vận tải
Theo Dự thảo Thông tư vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải đang được Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 50% mức thu hiện hành.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát để tiếp tục giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch. Dù ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên định theo đúng mục tiêu đã đề ra, đó là tiếp tục triển khai các gói tài khóa hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mức giảm trên dự kiến từ khi Thông tư được ban hành có hiệu lực đến ngày 31/12/2022. Theo đó, phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa, dự kiến bằng 80% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 12 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa bằng 80% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 13 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC.
Lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa bằng 80% mức thu lệ phí quy định tại Điều 16 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC…Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt bằng 50% mức thu phí quy định tại Điều 3 Thông tư số 295/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đối với lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa; phí trình báo đường thủy, Bộ Tài chính cũng đề xuất mức thu mới bằng 50% mức thu hiện hành. Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho hay: Việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC trong 8 tháng qua đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gói hỗ trợ về tài khóa quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2022, Bộ Tài chính đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch.
Trong số 52 nghìn tỷ đồng đã gia hạn các loại thuế: thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng (số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng); gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.
Về các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi đã ban hành và triển khai thực hiện (quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 61,5 nghìn tỷ đồng). Đến hết tháng 8/2022, ước tính số thực hiện khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.
Ấn Độ áp thuế và cấm xuất khẩu một số loại gạo
Ngày 8/9/2022, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành Thông báo số 31/2015-2020, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken - rice), mã HS 1006 40 00, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.
Một số lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15/9 nếu đáp ứng được một trong các điều kiện: (i) Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; (ii) Hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; (iii) Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống.
Bên cạnh đó, ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng ban hành thông báo số 49/2022-Customs về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo như: thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati (HS 10063090). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2022.
Một số nhà xuất khẩu cho rằng, quyết định của Chính phủ là quá bất ngờ, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Người mua không thể trả thêm 20% giá lô hàng và người bán cũng không thể bỏ ra 20% tiền thuế xuất khẩu. Ông V.K Rao - Chủ tịch hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ - cho biết: “Động thái của chính phủ sẽ thúc đẩy giá gạo toàn cầu. Giá gạo trắng xuất khẩu có thể vượt 400 đô la Mỹ một tấn từ mức 350 đôla Mỹ hiện nay trên cơ sở giao hàng tự do”. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ miễn thuế đối với khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa được vận chuyển.
Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đồng thời việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức săn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433 nghìn tấn năm 2021).
Trong năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.
EU họp khẩn đối phó với giá năng lượng tăng vọt
Các bộ trưởng năng lượng từ 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại tại Brussels vào thứ Sáu này để thảo luận về một loạt các đề xuất nhằm đối phó với việc tăng giá điện khi mùa đông sắp tới.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm gần 90% trong 12 tháng qua và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn đang tạo thêm nhiều sức ép cho vấn đề nguồn cung.
Hiện Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra một số đề xuất để kiềm chế giá năng lượng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong khối, bao gồm việc đặt một mức giá trần đối với khí đốt mua từ Nga, áp đặt giới hạn về lợi nhuận đối với các công ty sản xuất điện không sử dụng khí đốt và thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trên toàn khối.
Bà Von der Leyen cũng đã đề xuất thanh khoản khẩn cấp cho các công ty điện lực đang đối mặt với vấn đề thiếu thốn về nguồn cung. Các đề xuất khác được các bộ trưởng năng lượng khối này thảo luận cũng bao gồm việc kêu gọi sự đoàn kết hỗ trợ từ các công ty năng lượng hóa thạch.
Hiện tại giá điện ở châu Âu được tính dựa theo giá của nguồn năng lượng đắt nhất cần thiết cho sản xuất điện. Điều này có nghĩa là mức giá điện cao hiện tại là dựa theo các nhà máy điện đang sử dụng khí đốt vì giá cả khí đốt đã tăng tới 12 lần từ đầu năm 2021.
Bà Von der Leyen cho biết hôm thứ Tư (7/9) rằng điều này dẫn đến "doanh thu khổng lồ" cho các nhà cung cấp năng lượng tái tạo khi nguồn năng lượng đầu vào không tốn kém nhiều chi phí.
Tuy nhiên, Giles Dickson, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp WindEurope, nói với hãng tin Đức Dpa rằng hầu hết các trang trại gió ở châu Âu đều có mức giá cố định cho việc bán điện của họ, nên không tạo ra lợi nhuận khổng lồ như vậy.
Pháp là nước khai thác phần lớn năng lượng từ các nhà máy hạt nhân, cũng đã đặt câu hỏi liệu có nên áp dụng mức giới hạn cho tất cả các nhà sản xuất năng lượng hay không.
Những vấn đề tranh cãi này đang cần sự đồng thuận từ các thành viên EU trước khi mùa đông đang tới và nhu cầu năng lượng của châu Âu trở nên thực sự cấp thiết.
Nếu các bộ trưởng năng lượng đồng ý về cách giải quyết tình trạng tăng giá điện trong khối, Ủy ban châu Âu có thể soạn thảo một bản đề xuất sớm nhất vào tuần tới.
Hà Lan