Chủ nhật, 24/11/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ tư, 29/06/2022 18:55 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão

Theo dõi KTMT trên

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão; Mở rộng hợp tác với New Zealand về ứng phó với biến đổi khí hậu; Trà Vinh đầu tư 105 tỷ đồng xây kè chống sạt lở ở thị trấn Cầu Kè... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 29/6.

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão vào ngày mai (30/6)

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 13 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 30/6, vị trí tâm bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 1
Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hồi 13 giờ ngày 29/6. 

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 117,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 01/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục mạnh thêm.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão nên ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Mở rộng hợp tác với New Zealand về ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Mai Kim Liên đã tiếp và làm việc với bà Tredene Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam. Cuộc họp nhằm trao đổi cơ hội hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và New Zealand về tài chính khí hậu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động đối tác chiến lược 2021-2024.

Chia sẻ về quan điểm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, bà Mai Kim Liên cho biết, đây là ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển quốc gia. Ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược, chính sách phát triển đất nước.

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 2
Toàn cảnh cuộc họp.

Tại buổi làm việc, bà Tredene Dobson bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao đối với các cam kết của Việt Nam tại COP26 và hy vọng đây sẽ là khởi đầu của một chuỗi các cuộc họp giữa hai bên trong thời gian tới, nhằm triển khai các nội dung hợp tác hai bên cùng quan tâm.

New Zealand có thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo với 85% năng lượng của quốc gia đến từ nguồn này. Về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đều là thành viên Liên minh Nông nghiệp toàn cầu nên có nhiều tiềm năng phát triển hợp tác trong tương lai.

Liên quan tới tài chính khí hậu, tại hội nghị COP26, New Zealand tuyên bố hỗ trợ 1,3 tỷ Đô la New Zealand cho các quốc gia trong giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, 50% dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, phần còn lại cho các quốc gia khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Châu Phi… Hiện nay, New Zealand đang xây dựng Chiến lược tài chính khí hậu quốc tế với một số mục tiêu như: tăng cường năng lực thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy thích ứng dựa vào thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cho các quốc gia, tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển khác thông qua tài chính khí hậu tư nhân. Tại buổi làm việc, bà Tredene Dobson bày tỏ mong muốn nhận được đóng góp ý kiến của Cục Biến đổi khí hậu đối với Dự thảo Chiến lược này.

Thiên tai cực đoan, phức tạp làm 67 người chết và thiệt hại 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng

Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi.

Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 6/2022, mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa lũ, nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phải ban hành nhiều công điện chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 3
Từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lũ lớn bất thường, trái mùa xảy ra liên tiếp, trên diện rộng và tại nhiều nơi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các loại hình thiên tai đã làm ít nhất 67 người chết và mất tích (chủ yếu là do mưa lũ, giông lốc sét). Bên cạnh đó là thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.014 tỷ đồng tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.

Đáng chú ý, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, theo dự báo, lượng mưa từ tháng 7 - 9/2022 tại khu vực phía Bắc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%. Khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ cũng cao hơn từ 15 - 40% so với trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy những nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu các bộ ngành, địa phương không chủ động ứng phó.

Thông tin thêm về công tác phòng, chống thiên tai 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, đơn vị đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến 2030.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng cục cũng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập trước mùa mưa lũ. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác.

Thừa Thiên – Huế: Xử phạt nhiều doanh nghiệp sai phạm về khoáng sản, môi trường

Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thanh, kiểm tra nhiều tổ chức về khoáng sản, môi trường, qua đó xử phạt và tham mưu xử phạt nhiều doanh nghiệp…

Theo đó, trong lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT thực hiện 6 cuộc kiểm tra đối với 6 tổ chức. Cụ thể, kiểm tra hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Coxano Hương Thọ. Qua rà soát, Chánh Thanh tra Sở đã lập 1 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với công ty, chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền với số tiền xử phạt 250.000.000 đồng.

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 4
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế đã thanh, kiểm tra nhiều tổ chức về khoáng sản, môi trường.

Kiểm tra (đột xuất) việc đóng cửa mỏ khoáng sản đá sét vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua kiểm tra, Sở đã chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền.

Về lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT đã thực hiện 5 cuộc thanh, kiểm tra đối với 14 tổ chức, trong đó xử phạt một số tổ chức. Cụ thể, kiểm tra (theo kế hoạch 2021) việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 6 tổ chức (đã thông báo kết quả kiểm tra). Kết quả kiểm tra đã chuyển hồ sơ đề nghị Chánh Thanh tra Sở xử phạt đối với Công ty TNHH Nhựa Tân Tiến với số tiền phạt 60.000.000 đồng.

2 cuộc kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ môi trường do Chi cục Bảo vệ môi trường chủ trì đối với Công ty Cổ phần Liên doanh vật liệu xây dựng Bảo Nguyên và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland. Kết quả kiểm tra đã chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt đối với 2 tổ chức với tổng số tiền phạt 525.000.000 đồng.

Theo dõi, rà soát hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hoàng Ngọc trong hoạt động khai thác đất san lấp tại khu vực đồi Trốc Voi 1, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Kết quả, Sở đã chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty với tổng số tiền 220.000.000 đồng.

Trà Vinh đầu tư 105 tỷ đồng xây kè chống sạt lở ở thị trấn Cầu Kè

UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt dự án Kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè), với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 5 tỷ đồng.

Dự án do UBND huyện Cầu Kè làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2022-2024. Tổng chiều dài tuyến kè hơn 1,3km được chia thành hai đoạn, cao trình đỉnh kè +2,9m, chiều rộng đỉnh kè 1m; kết cấu kè dạng tường cọc bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A dài 17m.

Công trình gồm nhiều hạng mục như: Cọc neo, tuyến kè, cầu thang, cống thoát nước ngang kè, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, đường giao thông, thảm rọ đá chống xói lở chân kè...

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 5
Trà Vinh đầu tư 105 tỷ đồng xây kè chống sạt lở ở thị trấn Cầu Kè.

Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình sẽ bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản gần 1.900 hộ dân trong khu vực, đặc biệt là trên 100 hộ đang sinh sống dọc hai bên bờ sông.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Phó Trưởng Ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, triều cường, nước biển dâng... ngày càng khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân ở những khu vực ven sông, ven biển.

Hàng năm, trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các khu vực xung yếu, các công trình đê, kè, công trình thủy lợi... để có biện pháp xử lý kịp thời các vị trí hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân trong khu vực.

Cùng với các giải pháp công trình, tỉnh tăng cường trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển, bờ sông; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chống lấn chiếm bờ sông, bờ biển, hạn chế đào ao nuôi tôm ven bờ sông hoặc sát mặt đê. Các địa phương trong tỉnh vận động nhân dân xây dựng hàng rào bờ sông với các cây trồng như lá dừa nước, lục bình, bần để tạo bãi bồi chống sạt lở...

Hội nghị Bộ trưởng môi trường EU đạt thỏa thuận về các luật khí hậu

Sau hơn 16 giờ đàm phán, rạng sáng 29/6, các Bộ trưởng môi trường của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về các luật được đề xuất nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó ủng hộ kế hoạch đến năm 2035 không mua bán mới ô-tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các bộ trưởng đã thống nhất một số lập trường chung về 5 luật, trong khuôn khổ một gói biện pháp lớn hơn nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này.

Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu và các hậu quả của nó đã quá rõ ràng, vì vậy chính sách nói trên là không thể tránh khỏi”.

Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 6
Khí thải CO2 thoát ra từ một nhà máy điện ở Nochten, Đức ngày 22/3/2022.

Tại hội nghị diễn ra ở Luxembourg, các Bộ trưởng môi trường EU ủng hộ những nội dung cốt lõi trong gói biện pháp mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mùa hè năm ngoái, trong đó có luật quy định tất cả xe ô-tô mua mới trong lãnh thổ EU phải đáp ứng tiêu chí không thải khí CO2 từ năm 2035. Luật này cũng đồng nghĩa với việc không mua bán mới các loại xe sử dụng động cơ đốt trong.

Thỏa thuận mà các bộ trưởng vừa đạt được sẽ tạo thành quan điểm chung của họ trong các cuộc thảo luận sắp tới với Nghị viện châu Âu (EP) để chốt nội dung của các luật.

Các đề xuất khí hậu nói trên nhằm bảo đảm 27 quốc gia EU đạt được mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng của khối vào năm 2030 so với mức năm 1990.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất xanh hơn, năng lượng tái tạo và phương tiện chạy bằng điện.

Các bộ trưởng cũng ủng hộ một thị trường carbon mới của EU nhằm áp đặt phí phát thải CO2 đối với các loại nhiên liệu gây ô nhiễm sử dụng trong giao thông vận tải và trong các tòa nhà. Thị trường này dự kiến được khởi động vào năm 2027, chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

Sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập một quỹ trị giá 59 tỷ euro nhằm giúp người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi chính sách áp phí khí thải nói trên trong thời gian từ năm 2027-2032.

Ngoài ra, các bộ trưởng môi trường EU cũng ủng hộ những cải cách đối với thị trường carbon hiện nay của khối, theo đó buộc ngành công nghiệp và các nhà máy điện phải trả tiền phát thải CO2. Hội nghị đã nhất trí các nội dung cốt yếu trong đề xuất của EC về củng cố thị trường carbon nhằm giảm 61% lượng khí thải vào năm 2030 và mở rộng áp dụng đối với vận tải biển.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới