Tin tức môi trường 24h nổi bật nhất ngày 18/3
Xử phạt BQL dự án xây dựng bãi rác lớn nhất Đà Nẵng; Nhật Bản nỗ lực khắc phục hậu quả động đất... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày 18/3.
Xử phạt BQL dự án xây dựng bãi rác lớn nhất Đà Nẵng
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng.
Theo đó, đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính vì không thực hiện một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường: "Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn".
Cụ thể, đơn vị không thực hiện phun xịt các chế phẩm khử mùi với liều lượng và tần suất theo quy định, gây mùi hôi đến khu vực dân cư xung quanh trong quá trình tháo bạt để thi công tuyến mương thu gom nước rỉ rác quanh các hộc rác số 1 đến số 5 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Mức phạt cho hành vi này là 110 triệu đồng.
Cũng theo quyết định, đơn vị này còn bị xử phạt 90 triệu đồng vì tháo dỡ phần bạt HDPE chân các hộc rác để thực hiện thi công các tuyến đường, bờ bao quanh các hộc rác nhưng không xây dựng kế hoạch triển khai và các phương án phòng ngừa nước mưa hoặc nước trên bề mặt có tiếp xúc với rác thải trở thành nước rỉ chảy vào các khu vực rác.
Điều này dẫn đến sự gia tăng lượng nước rỉ phát sinh vào những ngày mưa, dẫn đến quá tải hệ thống xử lý nước thải của dự án.
Tổng mức phạt các hành vi vi phạm nêu trên đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng là 200 triệu đồng.
Nhật Bản nỗ lực khắc phục hậu quả động đất
Ngày 18/3, Nhật Bản tiếp tục các nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất có độ lớn 7,4 làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố miền Đông Bắc nước này 2 ngày trước đó.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã điều nhân lực đến nhiều khu vực của 2 tỉnh Miyagi và Fukushima để cung cấp nước sạch cho người dân. Riêng tại khu vực Semine thuộc thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi, có khoảng 1.500 hộ gia đình không có nước sử dụng. SDF đã lập một trạm cấp nước vào sáng 18/3 sau khi một xe bồn chở nước đến tiếp tế cho khu vực này.
SDF cũng bắt đầu công tác chuẩn bị để cấp nước sạch tại những địa điểm như trường tiểu học và công viên ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến 20h ngày 17/3, tổng cộng khoảng 34.000 hộ gia đình tại các tỉnh này vẫn không có nước sử dụng.
Trong khi đó, công ty đường sắt Đông Nhật Bản cũng tiếp tục nỗ lực nối lại toàn bộ hoạt động của tàu siêu tốc Shinkansen. Một tàu cao tốc đã bị trật đường ray tại tỉnh Miyagi, buộc công ty phải tạm dừng một số dịch vụ ở khu vực phía Đông Bắc.
Cùng ngày 18/3, đại diện tập đoàn Murata Manufacturing thông báo có kế hoạch nối lại hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy ở tỉnh Fukushima sau khi buộc phải tạm dừng do động đất. Tuy nhiên, 2 nhà máy còn lại của tập đoàn tại tỉnh vẫn dừng hoạt động. Trong đó, đám cháy bùng phát tại một nhà máy sản xuất cuộn cảm ở thành phố Tome, tỉnh Miyagi, gây hư hại một số thiết bị. Tập đoàn Murata, có trụ sở tại Kyoto, là nhà cung cấp tụ điện gốm hàng đầu trên thế giới.
Tập đoàn Sony cũng đang dần khởi động lại sản xuất ở 2 nhà máy tại tỉnh Miyagi và một nhà máy tại tỉnh Yamagata. Theo đại diện Sony, động đất gây thiệt hại nhẹ cơ sở sản xuất diode laser tại thành phố Shiroishi, tỉnh Miyagi.
Trong khi đó, nhà sản xuất chip Renesas Electronics thông báo vẫn tạm dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động tại 3 nhà máy của công ty.
Trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra vào lúc 23h16' ngày 16/3 theo giờ địa phương, với tâm chấn nằm ở độ sâu 57km ngoài khơi Fukushima. Thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh thành lân cận rung lắc mạnh. Ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương. Hơn 2,2 triệu hộ gia đình tại miền Đông và Đông Bắc Nhật Bản rơi vào cảnh mất điện.
Hơn 4 tấn dầu đen vón cục dạt vào bãi biển Nha Trang
Ông Trần Văn Hương, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang, cho biết hơn 40 công nhân của đơn vị được triển khai thu gom dầu vón cục xuất hiện trên bãi biển đường Trần Phú, tránh để ảnh hưởng môi trường.
Sáng qua, người dân phát hiện dầu vón cục màu đen, nhiều kích cỡ khác nhau dạt vào nằm rải rách bờ biển gần 2 km. Số dầu vón này còn bám trên rác, như bao nilon, chai lọ, hộp đồ uống… theo sóng biển tràn lên bãi cát.
Theo ông Hương, các công nhân đã thu gom hơn 4 tấn dầu, đưa về điểm tập kết và đang chờ làm việc với Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố có phương án xử lý, vì đây là chất thải nguy hại.
Trong khi đó, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý Vịnh Nha Trang, cho biết nguyên nhân dầu vón trôi dạt vào bờ vẫn chưa được xác định.
“Hiện, trên vịnh hay khu vực lân cận chưa ghi nhận sự cố chìm tàu, hay tràn dầu. Một đội thợ lặn khi lặn xuống đáy biển nhưng không thấy dầu”, ông Thái nói.
Phạt gần 300 triệu đồng công ty dệt may xả thải gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh TT- Huế vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Dệt may Huế (122 Dương Thiệu Tước, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Trước đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Cổ phần Dệt may Huế đã có hành vi vi phạm hành chính gồm: Không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo đúng quy định và xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm (24 giờ) đến dưới 10m3/ngày đêm (24 giờ) vào môi trường tại Khu công nghiệp Phú Đa (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh TT- Huế).
Trong đó, doanh nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn, các thông số BOD5 vượt 11,5 lần, COD vượt 4,5 lần, NH4+-N vượt 2,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Theo quyết định: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Công ty Cổ phần Dệt may Huế số tiền 270.000.000 đồng. Cụ thể xử phạt 45.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo đúng quy định; phạt 150.000.000 đồng đối với thông số BOD5, vượt 11,5 lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và phạt tăng thêm 50% là 75.000.000 đồng đối với các thông số COD vượt 4,5 lần, NH4+-N vượt 2,6 lần so với quy chuẩn.
Ngoài số tiền bị phạt, Công ty Cổ phần Dệt may Huế còn bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Hàng chục cá voi hoa tiêu chết do mắc cạn tại New Zealand
Cục Bảo tồn thiên nhiên của New Zealand ngày 18/3 cho biết gần 30 con cá voi hoa tiêu vây dài đã bị chết do mắc cạn tại bãi biển Farewell Spit thuộc Đảo Nam của nước này.
Theo cơ quan trên, những con cá voi nói trên nằm trong số 34 con cá voi được phát hiện hôm 17/3. Hiện các nhân viên kiểm lâm đang chăm sóc 5 con cá voi sống sót còn lại.
Người phát ngôn của Cục Bảo tồn Dave Winterburn cho hay cá voi mắc cạn là một hiện tượng tự nhiên và hiện chưa rõ nguyên nhân.
Bãi cát Farewell Spit dài 26km và nhô ra biển. Tại đây đã xảy ra hơn 10 vụ cá voi hoa tiêu mắc cạn trong 15 năm qua; trong đó vụ lớn nhất là vào tháng 2/2017 khi gần 700 con cá voi bị mắc cạn, dẫn tới 250 con bị chết.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân cá voi mắc cạn hàng loạt tại bãi biển này.
Một giả thuyết được đưa ra là bãi cát nhô ra biển đã khiến cho đáy biển Farewell Spit bị nông, dẫn đến làm sai lệch khả năng định vị bằng âm thanh của cá voi.
Hà Lan