Tin tức môi trường nổi bật ngày 20/4
Từ năm 2026, sẽ xử phạt nhà bán lẻ cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng; Lại xảy ra động đất, thủy điện Thượng Kon Tum không được tích thêm nước; Phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại Quảng Trị... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 20/4.
Từ năm 2026, sẽ xử phạt nhà bán lẻ cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng
Đây là thông tin được ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) đưa ra tại Hội thảo tổng kết Dự án thí điểm "Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại Việt Nam" (Dự án PLASTIC ALLIANCE), diễn ra ngày 20/4 tại Hà Nội.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình lên tới 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm. Trong số 48 siêu thị được khảo sát, có tới 46 siêu thị đang cung cấp túi nylon miễn phí.
Theo đó, nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa. Trong đó, nước ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Dự án PLASTIC ALLIANCE là sáng kiến thuộc dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ, Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilông dùng một lần ra môi trường.
Trong khuôn khổ của Dự án, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon đã được thành lập với sự cam kết tham gia của 16 nhà bán lẻ, cũng như sự ủng hộ tích cực của các đối tác đồng hành giảm chất thải nhựa.
Lại xảy ra động đất, thủy điện Thượng Kon Tum không được tích thêm nước
Rạng sáng 20/4, một trận động đất nữa lại xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Thủy điện Thượng Kon Tum không được tích thêm nước.
Ngày 20/4, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất xảy ra vào rạng sáng 20/4/2022 tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, vào hồi 20 giờ 02 phút 45 giây (giờ GMT) ngày 19 tháng 4 năm 2022, tức 03 giờ 02 phút 45 giây (giờ Hà Nội) ngày 20 tháng 4 năm 2022 một trận động đất có độ lớn 2.5 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.750 độ vĩ Bắc, 108.410 độ kinh Đông), với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Để làm rõ nguyên nhân, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho rằng cần có tiếp tục quan trắc, đồng thời tiến hành nghiên cứu hệ thống đứt gãy, đánh giá việc tích nước các hồ đập theo kinh nghiệm quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh nhận định cường độ có thể lên tới 5 - 5,5 độ Richter, tuy nhiên để có kết luận đầy đủ cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiết số liệu quan trắc.
Mực nước sông Mekong cao hơn trung bình nhiều năm
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mực nước sông Mekong tại các trạm như Chiang Saen (Thái Lan), Kratie và Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia vào thời điểm giữa tháng 4/2022 đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Hai yếu tố thượng lưu có ảnh hưởng quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.
Tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), mực nước đạt 2,74m, cao hơn trung bình nhiều năm 1,21m...
Trong khi đó, tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu trên sông Tiền đạt 1,16m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,06m và cao hơn những năm gần đây cùng thời điểm. Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước đạt 1,36m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,12m và cao hơn mấy năm gần đây cùng thời điểm.
Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long với lượng bình quân khoảng 20-40mm, có nơi trên 100mm như ở Bạc Liêu, Cà Mau. Dự báo tuần tới, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng vào khoảng 30-50mm.
Từ tháng 3/2022 đến nay, mặc dù chưa hết mùa khô nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn. Tại thành phố Cần Thơ, từ giữa tháng 3 đến nay đã xuất hiện nhiều trận mưa to đến rất to.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 4 với ranh mặn 1 g/l trên sông Tiền 40-50km, sông Hàm Luông 50-60km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 65-75km, các cửa sông khác 40-50km. Riêng khu vực ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đi vào hoạt động nên đã chủ động kiểm soát được xâm nhập mặn.
Phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn tại Quảng Trị
Ngày 19/4, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, huyện đã nắm thông tin về vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn trên địa bàn xã Đakrông và đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trên cơ sở ảnh vệ tinh và nguồn tin nhận được, từ ngày 5/4 lực lượng kiểm lâm huyện Đakrông đã đi kiểm tra và đến ngày 12/4 thì phát hiện vụ phá rừng ở 2 tiểu khu 699 và 708 (thuộc xã Đakrông).
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, diện tích phá rừng lớn, cây rừng bị đốn hạ chủ yếu là gỗ thuộc nhóm 7, nhóm 8. Vì trong thời gian ngắn nên chưa đo đếm cụ thể diện tích, trữ lượng gỗ.
Rừng bị phá ở 2 tiểu khu này là rừng tự nhiên phục hồi, trong đó 1 phần thuộc quản lý của xã Đakrông (huyện Đakrông), 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Làng Cát và 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Pa Tầng (cùng thuộc xã Đakrông).
Khi phát hiện vụ việc, lực lượng kiểm lâm đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an và ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Làng Cát đến hiện trường để thu thập thông tin, điều tra làm rõ.
Bình Định: Bác bỏ thông tin san hô tại vịnh Quy Nhơn chết hàng loạt
Những ngày qua, xuất hiện một số thông tin về việc san hô tại khu vực đáy biển Hòn Sẹo vịnh Quy Nhơn (thuộc xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn) bị chết hàng loạt, đe dọa sinh thái biển vịnh Quy Nhơn và cho rằng nguyên nhân san hô chết là do một nhóm người từ địa phương khác đến lén lút khai thác trộm vào ban đêm.
Chiều 19/4, UBND xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) có báo cáo xác minh về thông tin san hô bị khai thác trái phép tại khu vực Hòn Sẹo và cho rằng đây là thông tin không chính xác.
Theo báo chí địa phương, từ ngày 12 - 14/4, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Chi cục Thủy sản cùng Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Bãi Dứa thực hiện quan trắc trong khu vực giao cho tổ quản lý; đồng thời quan trắc xác minh hiện trạng san hô ở khu vực Hòn Sẹo.
Qua đó, các chuyên gia đánh giá khu vực rạn san hô ở Hòn Sẹo không có tình trạng khai thác trái phép, khu vực này là bãi rạn, san hô thưa thớt, ít san hô mềm sinh sống, một số san hô bị chết còn nguyên chân, nguyên hiện trạng.
Kết quả đánh giá nhanh cho thấy san hô khu vực này bị ảnh hưởng do các đợt sóng mạnh, triều cường, do thiên tai; không có dấu hiệu của hoạt động khai thác trái phép của con người. Hiện ở Hòn Sẹo có 2 khu vực có rạn san hô đang phát triển nằm ở vùng nước sâu phân bố ở phía tây nam và tây bắc Hòn Sẹo.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, rạn san hô từ khu vực Bãi Dứa đến Hòn Sẹo, UBND xã Nhơn Lý đề xuất UBND TP.Quy Nhơn xem xét cho chủ trương tiếp tục giao quyền quản lý một phần diện tích mặt nước khu vực Hòn Sẹo cho tổ chức cộng đồng quản lý. Hiện Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Bãi Dứa được giao đồng quản lý khu vực Bãi Dứa với diện tích 8,02 ha.
Thanh Hóa: Một doanh nghiệp bị phạt 50 triệu đồng vì xả thải ra sông làm cá chết bốc mùi
Thông tin từ UBND huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho hay Chủ tịch UBND huyện này vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Khánh Nam 50 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, doanh nghiệp này có hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả thải không qua xử lý ra môi trường.
Trước đó, vào ngày 14/4, đoàn công tác của huyện Như Xuân phát hiện công ty này có 2 đường ống đường kính 110cm xả thải trực tiếp ra sông Quyền đoạn chảy qua xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân.
Ngay sau đó, đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn xử lý nước xả thải trong hoạt động chế biến lâm sản.
Lan Anh