Chủ nhật, 24/11/2024 08:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 19:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An

Theo dõi KTMT trên

"Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An; Đà Nẵng: Vận hành trạm ép rác thải hiện đại nhất Việt Nam; Các nước G7 bất đồng về khung thời gian loại bỏ năng lượng than... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay 27/5.

"Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An

Sáng 27/5, ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, Quỳ Hợp cho biết, hố sụt lún trên xuất hiện tại gia đình ông Điền Viết Tứ (SN 1965, trú bản Na Hiêng). Chính quyền địa phương đã huy động người dân đến giúp gia đình ông Tứ sơ tán người và tài sản.

"Sáng nay khoảng 5h, gia đình ông Tứ điện thoại báo cáo sự việc. Chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu anh em trong xã cùng bà con vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà, di chuyển người đến nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng. Hố sụt lún này xuất hiện sâu khoảng 7-8m, rộng chừng 10m ăn sâu vào nhà ông Tứ", ông Hóa thông tin.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 1
"Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An. (Ảnh: Dân Trí)

"Hố tử thần" bất ngờ xuất hiện trong nhà dân khiến người dân xã Châu Hồng rất hoang mang, bởi thời gian gần đây, trên địa bàn xã liên tiếp xuất hiện các sâu bất thường. Các công trình xây dựng như nhà dân, trụ sở UBND xã, trường học có hiện tượng nứt nẻ.

Để làm rõ nguyên nhân các hố sụt lún, UBND huyện Quỳ Hợp đã thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ về khảo sát, tìm giải pháp.

Đây không phải là lần đầu tiên xã Châu Hồng xuất hiện các hố sâu như vậy. Chiều ngày 16/5, trong lúc làm ruộng, người dân cũng phát hiện 1 hố sụt lún nằm giáp ranh giữa bản Công và bản Na Hiêng (xã Châu Hồng) rộng khoảng 3m, sâu hơn 15m.

Từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, cuối tháng 2, có 114 ngôi nhà bị sụt nền, rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.

Xã Châu Hồng được xem là thủ phủ khoáng sản với 11 doanh nghiệp khai thác. Người dân xã Châu Hồng cho rằng nguyên nhân tình trạng sụt lún, giếng cạn bất thường là do khai thác khoáng sản làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Thụy Điển tạo điều kiện tốt nhất để Việt Nam tham dự Hội nghị Stockholm +50

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức đã có buổi làm việc với ông Ola Karlman, Trưởng ban Xúc tiến, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển và đại diện UNDP về những nội dung liên quan đến Hội nghị Stockholm+50 và Phiên họp cấp cao Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm.

Năm 1972, lãnh đạo từ 113 quốc gia đã tụ họp tại Stockholm, Thụy Điển để tham dự Hội nghị lần đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người và đi đến kết luận rằng các hoạt động của con người là yếu tố chính quyết định tương lai của chúng ta. Giờ đây, 50 năm sau Hội nghị Stockholm đầu tiên, thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, bên cạnh các vấn đề nhức nhối khác, bao gồm cả đại dịch Covid-19.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức và ông Ola Karlman, Trưởng ban Xúc tiến, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển và đại diện UNDP. (Ảnh: Báo TN&MT)

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định tổ chức một cuộc họp cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, để xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 2 và 3/6/2022 bởi Chính phủ Thụy Điển với sự hỗ trợ của Chính phủ Kenya.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tham dự Hội nghị lần này, Bộ TN&MT mong muốn được tham gia các phiên họp, thảo luận để tiếp thu, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, đối tác phát triển giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học.

Từ đó, Việt Nam có cơ hội để đóng góp tiếng nói, ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến, nỗ lực quốc gia, khu vực để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế về nguồn lực, công nghệ và phương thức quản lý để giải quyết các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường quốc gia.

Hoài Đức - Hà Nội: Bãi rác tự phát bùng cháy, ô nhiễm càng thêm ô nhiễm

Trưa ngày 27/5, bãi rác tự phát tại Lai Xá (xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Hà Nội), khu vực đường giữa Tòa nhà New City và Đại học Thành Đô xảy ra cháy lớn. Ngọn lửa bốc cao, khói đen nghi ngút ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Khu vực cháy là bãi rác tự phát dọc đường giao giữa khu vực Tòa nhà New City và Đại học Thành Đô. Đáng chú ý, đám cháy diễn ra ngay sát cột điện, nguy cơ cháy nổ cao.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 3
Bãi rác tự phát trải dài bốc cháy nghi ngút. (Ảnh: Báo TN&MT)

Người dân sống xung quanh cho biết vào khoảng 11h trưa 27/5, tại bãi rác tự phát gần khu vực Đại học Thành Đô bất ngờ bốc cháy. Chỉ một lúc sau, lửa lan rộng và bốc cháy ngùn ngụt.

Khu vực cháy là bãi rác tự phát, rác thải được tập kết không đúng quy định và được đổ tràn lan, chất đống ra đường. Hầu hết rác thải ở đây là rác thải sinh hoạt với đủ các loại chất thải, túi ni lông, đồ dùng, gia dụng hỏng… Đám cháy diễn ra thiêu đốt tất cả các loại rác thải kéo theo khói đen khét lẹt gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 4
(Ảnh: Báo TN&MT)

Lực lượng chức năng đã phải xuất 1 xe cứu hỏa nhanh chóng tới hiện trường. Hiện đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Giữa một khu dân cư đông đúc, văn minh lại “mọc” lên một bãi rác tự phát rộng như vậy không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Chính quyền huyện Hoài Đức, xã Kim Chung cần có biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để hơn đối với các bãi rác tự phát, trả lại không gian xanh - sạch - đẹp cho đô thị văn minh.

Thừa Thiên – Huế: Hơn 170 hồ, ao, đầm, phá không được san lấp

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh có có 171 hồ, ao thuộc danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

Cụ thể, TP.Huế có 53 hồ; huyện Phong Điền có 23 hồ; thị xã Hương Trà 13 hồ; huyện Quảng Điền 12 hồ; thị xã Hương Thủy 23 hồ; huyện Phú Vang 8 hồ; huyện Phú Lộc 4 hồ; huyện Nam Đông 10 hồ; huyện A Lưới 21 hồ; 4 hệ thống đầm phá (đầm Lập An - thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc; Phá Tam Giang; Đầm Thủy Tú (bao gồm đầm An Truyền, đầm Thanh Lam (Sam), đầm Hà Trung và đầm Thủy Tú); Đầm Cầu Hai.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 5
Hơn 170 hồ, ao, đầm, phá không được san lấp tại Thừa Thiên – Huế. (Ảnh internet)

UBND tỉnh giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo đến các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn nơi có hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê, đề xuất bổ sung danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; rà soát, thống kê, đề xuất bổ sung danh mục hồ, ao không được san lấp; quản lý chặt chẽ không để xảy ra hoạt động san lấp hồ, ao trái phép trên địa bàn.

Quyết định nêu rõ, các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm, phá có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp bảo vệ hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

Đà Nẵng: Vận hành trạm ép rác thải hiện đại nhất Việt Nam

Sau gần 1 năm thi công, Đà Nẵng vừa đưa vào thử nghiệm trạm trung chuyển rác thải với công nghệ ép rác hiện đại cùng với đó là máy xay rác cồng kềnh lần đầu có ở Việt Nam.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 6
Trong 30 phút 1 máy ép được 7 tấn rác. (Ảnh: Báo TN&MT)

Trạm trung chuyển rác nằm trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) có kinh phí hơn 171 tỷ đồng với 4 máy ép rác công suất đạt khoảng 500 tấn/ngày. Rác sau khi ép được cho ra thùng kín có sức chứa 10,35 tấn/thùng. Các thùng này sau đó được nâng lên xe tải trọng lớn, chở thẳng lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý.

Trong quá trình xử lý rác, các xe vận chuyển bảo đảm rác sẽ không phát sinh mùi hôi, không có nước rỉ ra đường gây ô nhiễm. Với các loại rác thải cồng kềnh, khó xử lý như đồ gỗ, các loại rác thể rắn sẽ được đưa vào máy xay và nghiền vụn rồi chuyển sang máy ép. Đây là máy xay rác đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải, dự báo với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dự kiến sẽ còn tăng lên 1.600-1.800 tấn/ngày. Số rác thải này được thu gom, vận chuyển thẳng lên bãi rác Khánh Sơn xử lý thông qua các xe rác từ 5-7 tấn. Số lượng xe rác di chuyển trên đường phố nhiều, phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác, ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan đô thị.

Xuất phát từ thực tế này, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định đầu tư, đưa vào hoạt động các trạm trung chuyển rác, sử dụng công nghệ ép rác hiện đại cùng với đó là máy xay rác cồng kềnh sẽ giúp cho việc thu gom rác trong khu vực trung tâm đô thị, chuyển rác vào các xe trọng tải lớn không phát sinh mùi hôi, nước rỉ. Đồng thời giảm tải lưu lượng xe rác, xe vận chuyển thu gom rác không chạy lòng vòng gây ô nhiễm mùi hôi và mỹ quan trên đường phố.  

Các nước G7 bất đồng về khung thời gian loại bỏ năng lượng than đá

Các bộ trưởng môi trường thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại Berlin, Đức nhằm thảo luận khung thời gian cụ thể để loại bỏ dần năng lượng than đá. Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng G7 về môi trường, khí hậu và năng lượng.

Đức, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G7 trong năm nay, đã đề xuất rằng trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng đặt ra mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu khác và Canada, song một số quốc gia chưa thể hiện thiện chí với ý tưởng trên.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An - Ảnh 7
Đức đã đề xuất rằng trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng đặt ra mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Phía Nhật Bản từ chối đưa ra cam kết về một khung thời gian nhất định cho việc loại bỏ dần nhiệt điện chạy bằng than, trong khi Mỹ cho biết sẽ thực hiện mục tiêu này vào những năm 2030.

Việc đặt ra khung thời gian nhất định để loại bỏ nhiệt điện chạy bằng than đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh Nga, một quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.

Các quốc gia G7, gồm Anh, Pháp và Italy, đã áp đặt các biện pháp nhằm vào Nga liên quan đến sự kiện này và nhất trí giảm dần sự phụ thuộc năng lượng từ Moskva.

Các lệnh trừng phạt như vậy có thể làm chệch hướng nỗ lực cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính khi một số nước nhập khẩu năng lượng chuyển sang sử dụng than đá để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 27/5: "Hố tử thần" sâu gần 10m xuất hiện trong nhà dân tại Nghệ An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới