Chủ nhật, 24/11/2024 09:57 (GMT+7)
Thứ năm, 09/01/2020 10:50 (GMT+7)

Tối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Đến năm 2030, tối thiểu 50% diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam sẽ được khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và một số khu vực trọng điểm.

Tối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Theo yêu cầu của Chương trình, công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong từng giai đoạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tối thiểu 50% diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam sẽ được khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và một số khu vực trọng điểm.

Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 chia thành hai giai đoạn.

Tối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên - Ảnh 2
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong giai đoạn đầu, từ năm 2020-2025, Chương trình tập trung vào việc điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn minh sinh thái biển nhằm có được các số liệu, dữ liệu về khí tượng, hải văn, môi trường, động đất, sóng thần... phục vụ quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển.

Chương trình cũng xây dựng, thiết kế các công trình trên biển, đánh giá các tác động của yếu tố tự nhiên tới các công trình biển, quá trình xâm nhập mặn, suy thoái môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở tỉ lệ nhỏ vùng biển sâu, điều tra chi tiết tại các bãi cạn, gò đồi ngầm; điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học đánh giá tiềm năng tài nguyên vị thế, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều, sinh dược học biển...

Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2026-2030, chương trình tập trung vào các nhiệm vụ điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học biển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo về quy luật phân bố và nguồn gốc thành tạo các khoáng sản biển như khí hydrate, sa khoáng,...

Chương trình sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tới các hệ sinh thái, đánh giá định lượng bậc dinh dưỡng của các loài hải sản, chuỗi, lưới thức ăn, đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, các công trình ven biển, điện gió biển và năng lượng tái tạo biển, nano biển, sinh dược học biển.

Giai đoạn này sẽ tiếp tục điều tra đánh giá định kỳ một số yếu tố tự nhiên, tài nguyên có tính biến động cao như hải dương học, khí tượng thủy văn, tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái, môi trường biển và hải đảo; điều tra, đánh giá chi tiết tiềm năng, trữ lượng một số tài nguyên, khoáng sản biển, các loại tài nguyên mới phục vụ việc khai thác và sử dụng bền vững các loại tài nguyên biển.

Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế như: ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải xuyên biên giới, cảnh báo động đất, sóng thần, ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, cổ khí hậu, cổ đại dương, chuỗi, lưới thức ăn, ăn mòn khí quyển và nước mặn đối với các công trình trên biển và ven biển.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Tối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới