Chủ nhật, 24/11/2024 06:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/05/2022 18:00 (GMT+7)

TP.HCM chủ động tìm nguồn vốn, tăng tốc triển khai các dự án trọng điểm

Theo dõi KTMT trên

Nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thành phố giai đoạn 2022-2025, TP. HCM đã chủ động tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Đẩy mạnh hoàn thiện các dự án còn dang dở

Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến hoạt động kinh tế-xã hội tại TP. HCM bị tác động nặng nề. Đặc biệt, giai đoạn giãn cách xã hội đã khiến nhiều dự án đầu tư, xây dựng công trình giao thông phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, khiến tiến độ hoàn thành dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngay khi “mở cửa” trở lại, các công trình, dự án được chủ đầu tư, nhà thầu khôi phục và tăng tốc, nhằm khắc phục thời gian bị đình trệ. Nhiều dự án kết nối liên vùng cũng đang gấp rút được triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác. 

Điển hình một số công trình được đưa vào giúp cải thiện tình hình giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế như: cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, cải tạo kênh Nước Đen, đường song hành Võ Văn Kiệt…

TP.HCM chủ động tìm nguồn vốn, tăng tốc triển khai các dự án trọng điểm - Ảnh 1
Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo đà thúc đẩy kinh tế khu Đông TP. HCM.

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Phan Văn Mãi, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có tính chất liên kết vùng nhằm từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn; tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.

Hiện TP. HCM cùng các địa phương đang triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc; mở rộng tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, tuyến đường kết nối các tỉnh… nhằm kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai thủ tục thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, việc triển khai dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối. Việc tắc nghẽn giao thông đã làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực, doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics rất lớn. Do vậy, đầu tư dự án cũng là bước đột phá giúp các doanh nghiệp tăng cạnh tranh.

Các địa phương lân cận TP. HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng để kết nối tới thành phố. Tại tỉnh Bình Dương, cuối tháng 4 vừa qua, địa phương này đã động thổ dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, sẽ mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn.

Chú trọng đầu tư các công trình giao thông trọng điểm

Trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông TP. HCM giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố  cần hơn 900.000 tỷ đồng cho phát triển các công trình giao thông giai đoạn 2021-2030.

Cho đến hiện tại, TP. HCM đã được Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%, là nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn tới.

Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ kiên trì kiến nghị Trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng; đề xuất Trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Thành phố.

TP.HCM chủ động tìm nguồn vốn, tăng tốc triển khai các dự án trọng điểm - Ảnh 2
Các công trình giao thông hoàn thành sẽ giúp TP HCM nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Về đất đai gắn với các dự án xây dựng, TP. HCM dự kiến sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất trên địa bàn, phù hợp với các quy định được phê duyệt và theo quy định của pháp luật, nhất là các khu đất dọc các tuyến quốc lộ, vành đai và tuyến metro. Trường hợp cần bổ sung nguồn lực đầu tư cho các dự án quan trọng, Thành phố sẽ đề xuất Trung ương cho phép nới trần dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, TP. HCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục và sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3 TP. HCM, đặt trong bối cảnh “cấp thiết” để tạo sức bật trong mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương tại dự án này, các địa phương đã thể hiện cam kết bố trí đủ vốn để triển khai dự án theo tiến độ; trong đó, có nguồn vốn dự kiến huy động từ phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố. Đó là các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án.

Tại TP. HCM, kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến Vành đai 3 trên địa bàn có khoảng 2.413ha; trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. UBND TP. HCM dự kiến, riêng với phạm vi đất nông nghiệp, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đất này rất quan trọng, nếu khai thác được thì chi phí thực hiện Vành đai 3, kể cả Vành đai 4 cũng không gặp vấn đề gì.

Bên cạnh đó, khi triển khai thì yếu tố thời gian là quyết định, phải thực hiện nhanh hơn nữa, bởi chậm một ngày là thiệt hại rất lớn. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì đến năm 2030 có thể hoàn thiện giao thông cho vùng và khi đó các địa phương sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.

Cùng với các dự án khác, hiện thành phố đang tập trung hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sớm nhất, khai thác hiệu quả hạ tầng không gian ngầm để phát triển các dịch vụ về du lịch tham quan, vui chơi, giải trí. Đồng thời, thành phố có phương án tính toán điều chỉnh quy hoạch cục bộ và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả các khu đất dọc tuyến metro…

Huỳnh Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM chủ động tìm nguồn vốn, tăng tốc triển khai các dự án trọng điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới