Chủ nhật, 24/11/2024 06:24 (GMT+7)
Thứ tư, 05/01/2022 22:00 (GMT+7)

Từ năm 2022, ba chính sách mới nào về đất đai bắt đầu có hiệu lực?

Theo dõi KTMT trên

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; Sửa quy định về phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bãi bỏ một số văn bản QPPL về đất đai là ba chính mới về đất đai bắt đầu có hiệu lực.

Sửa quy định về phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thông tư 106/2021/TT-BTC sửa đổi quy định một số loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đó, thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/1/2022.

Cụ thể, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật.

Được biết, theo quy định hiện hành, tại Thông tư 85/2019/TT-BTC chỉ quy định “cấp” giấy chứng nhận, còn Thông tư 106/2021 chia thành “cấp lần đầu” và “cấp mới”.

Từ năm 2022, ba chính sách mới nào về đất đai bắt đầu có hiệu lực? - Ảnh 1
Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước. (Ảnh minh họa)

Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.

Thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030

Tại Nghị quyết 39/2021/QH15, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 28/12/2021.

Mục tiêu của Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;

Đồng thời nhằm bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%;

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bãi bỏ một số văn bản QPPL về đất đai

Từ ngày 1/12/2021, Quyết định 35/2021/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ 27 văn bản QPPL do Thủ tướng ban hành, trong đó, có 02 văn bản liên quan đến đất đai, gồm:

- Quyết định 105/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nộp nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuê nhà, đất.

- Quyết định 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Sau hơn 7 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý và sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng. Quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh; thể chế, chính sách cho phát triển thị trường từng bước được hoàn thiện. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ năm 2022, ba chính sách mới nào về đất đai bắt đầu có hiệu lực?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới