'Tường sống': Giải pháp kép bảo vệ môi trường
Môt trường đại học nước Anh đã nghiên cứu ra tường thực vật giúp giữ ấm và làm mát nhà cửa. 'Tường sống' này giảm 30% nhiệt lượng thất thoát từ công trình giúp cải thiện chất lượng không khí.
Lớp phủ xanh bảo vệ môi trường giúp giảm nhiệt độ phòng
Nghiên cứu mới do Đại học Plymouth thực hiện có thể giúp thay đổi cách chúng ta giữ ấm và làm mát nhà cửa. Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tận dụng tường của khu trọ được xây dựng trước thập kỉ 70 làm mục tiêu theo dõi; Họ nhận thấy khác biệt giữa 2 đối tượng nghiên cứu là tường thông thường và “tường sống”.
Trong nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng thuật ngữ “tường sống” để chỉ một bức tường phủ “một hệ thống vải linh hoạt có những ô trống cho phép đặt đất và trồng thực vật”. Ngoài ra, tường sống không khác gì “tường chết”.
Hai bức tường được đặt ở độ cao tương đương, quay về cùng một hướng. Sau 5 tuần theo dõi, nhóm nghiên cứu kết luận: Tường sống làm thất thoát ít nhiệt hơn tường thường khoảng 31,4%, biên độ dao động nhiệt trong ngày của tường sống cũng thấp hơn.
Khi tòa kiến trúc giữ được nhiệt, lượng năng lượng cần để duy trì nhiệt độ ổn định sẽ thấp hơn. Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra tác dụng cải thiện chất lượng không khí của thực vật. Đây là tin tốt với những dãy nhà thường xuyên đón ánh nắng, đứng trước nguy cơ thất thoát nhiệt.
Phát hiện mới có tiềm năng cải thiện chất lượng sống tại những khu vực khí hậu nóng. Theo báo cáo, “bằng việc giảm tác động của ánh nắng lên các tòa nhà, tường xanh có thể giảm nhiệt độ trong phòng thông qua cung cấp bóng râm cho mặt đón nắng”. Thực vật có thể tận dụng một phần năng lượng ánh sáng để quang hợp, đồng hợp phản chiếu bớt nhiệt lượng phả lên tòa nhà.
Trong phần kết luận, nghiên cứu khẳng định việc “tiếp tục theo dõi thí nghiệm sẽ phát hiện ra được tác động của việc thực vật sinh trưởng trên tường hàng năm tới hiệu năng việc điều hòa nhiệt độ”. Đồng thời, nhóm khẳng định những nghiên cứu sau có thể tìm kiếm cách cải thiện kết luận ngày hôm nay, tìm ra những loài thực vật phù hợp cho bức tường sống.
Thực vật là vũ khí hữu hiệu để chống biến đổi khí hậu
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, một cây xanh trưởng thành cao trên 30 m có thể hấp thụ khoảng 22,7 kg khí CO2 trong một năm. Con số này tương đương với lượng khí CO2 do một chiếc xe hơi thải ra môi trường khi chạy được đoạn đường 41,5 km. Trong khi đó, thông qua quá trình quang hợp, trung bình một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng oxy cho 4 người sử dụng.
Bên cạnh khí CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như anhidrit, sunfua, fuo, clo, amoniac… Cơ chế này được hình thành do quá trình quang hợp, cây sản xuất các ion âm (NAI), có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc không khí. Ngoài ra, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.
Cùng với đó, cây xanh còn được biết đến như “tấm lá chắn” có khả năng cản bụi cho các đô thị lớn hay khu công nghiệp. Theo thông tin từ Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán lớn và rộng có thể cản được 10-30 kg bụi. Nhờ đó, nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20-60%.
Tại Việt Nam, trồng thêm cây xanh cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng đến phát triển bền vững. Vừa qua, đề án trồng 1 tỉ cây xanh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, dự án sẽ trồng 630 triệu cây xanh tại các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Nguyễn Linh (T/h)