Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ năm, 26/03/2020 14:00 (GMT+7)

Ứng xử khôn ngoan với nước ngầm – nguồn tài nguyên chiến lược trong tình huống hạn hán, thiếu nước

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm. Trong khi việc sử dụng nước dưới đất phục vụ cho ngành công nghiệp đã tăng gần gấp đôi so với mức năm 2006.

Ứng xử khôn ngoan với nước ngầm – nguồn tài nguyên chiến lược trong tình huống hạn hán, thiếu nước - Ảnh 1
Cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia luôn trăn trở, nghiên cứu, đề xuất các dự án điều tra, quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi cả nước, kịp thời ứng phó với vùng hạn hán, thiếu nước

Tỉ lệ dùng nước ngầm cho công nghiệp tăng cao

Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, tỉ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, hiện đã có 57% các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng nước ngầm.

Ông Triệu Đức Huy, Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Hiện tại, có nhiều đô thị đang khai thác và sử dụng nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt và công nghiệp. Các thành phố và thị xã đang khai thác chủ yếu là nước dưới đất là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Số còn lại đều sử dụng nước mặt kết hợp với nước dưới đất.

Theo thống kê, lượng nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước cấp. Phần lớn các đô thị sử dụng nguồn nước dưới đất đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5.000-15.000 m3/ngày đến từ 20.000-40.000 m3/ngày. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn (TP. Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày).

Các vùng hiện đang khai thác nước dưới đất nhiều nhất là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc.

Tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỉ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỉ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỉ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỉ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).

(Nguồn: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia)

Bên cạnh đó, khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước dưới đất.

Ứng xử khôn ngoan với nước ngầm – nguồn tài nguyên chiến lược trong tình huống hạn hán, thiếu nước - Ảnh 2
Mực nước dưới đất ở Tây Nguyên hạ thấp rất nhanh do lượng bổ cập từ nước mưa ít, các hoạt động khai thác phục vụ tưới chủ yếu từ nguồn nước dưới đất.

Suy giảm mực nước, tốc độ lún trung bình 20 - 40mm/năm ở ĐBSCL

Theo ông Triệu Đức Huy, lượng nước dưới đất đang được cấp phép khai thác ở các vùng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với trữ lượng còn có thể khai thác. Tuy nhiên do đặc điểm phân bố của tài nguyên nước dưới đất, mực nước dưới đất biến động mạnh theo mùa (mùa mưa và mùa khô) và mức độ khai thác cụ thể ở từng địa phương rất khác nhau nên đã dẫn đến nguy cơ suy giảm mực nước/cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình.

Cụ thể: ở khu vực miền Bắc, một số địa phương đã xuất hiện và gia tăng các vấn đề tiêu cực đối với tài nguyên nước dưới đất như Hà Nội (suy giảm mực nước, nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn, sụt lún bề mặt), Hải Dương (suy giảm mực nước, nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn), Thái Nguyên (suy giảm mực nước, sụt lún bề mặt, nguy cơ ô nhiễm), Bắc Ninh (suy giảm mực nước, nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn), Vĩnh Phúc (suy giảm mực nước, nguy cơ ô nhiễm), Hưng Yên (suy giảm mực nước, nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn), Hà Nam (nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn), Nam Định (suy giảm mực nước, nhiễm mặn), Hải Phòng (nhiễm mặn), Thái Bình (nhiễm mặn),…

Ứng xử khôn ngoan với nước ngầm – nguồn tài nguyên chiến lược trong tình huống hạn hán, thiếu nước - Ảnh 3
Ứng xử khôn ngoan với nguồn nước ngầm sẽ chủ động trong mọi tình huống kể cả khi hạn hán, thiếu nước.

Khu vực Bắc Trung Bộ, vài nơi cũng có dấu hiệu suy giảm mực nước tháng 1/2020 so với năm 2019 như Cam Lộ, Quảng trị (hạ thấp 1,21m), Thái Hòa - Nghệ An (1,08m). Xu thế hạ thấp mực nước sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 2, tháng 3 năm 2020.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, các địa phương dự báo sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô do mực nước dưới đất hạ thấp và xâm nhập mặn là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Khu vực Tây Nguyên, nước dưới đất chủ yếu trong các tầng chứa nước trầm tích lỗ hổng - khe nứt Bazan tuổi Neogen - Đệ tứ, đây là các tầng chứa nước được khai thác mạnh mẽ nhất. Vào mùa khô, mực nước dưới đất hạ thấp rất nhanh do lượng bổ cập từ nước mưa ít, các hoạt động khai thác phục vụ tưới chủ yếu từ nguồn nước dưới đất. Một số địa phương, đã có nơi mực nước hạ sâu như: Lâm Đồng, Gia Lai.

Đáng lưu ý, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất trong các tầng chứa nước hầu hết phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô. Ở nhiều địa phương, mực nước dưới đất có tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3 - 0,5m/năm như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau,...

Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm (Thị trấn Tân Trụ, Tân Trụ, Long An); 0,92m/năm (Thị trấn Lai Vung, Lai Vung, Đồng Tháp); Một số khu vực có xu hướng gia tăng xâm nhập mặn cả về diện tích và nồng độ như: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau. Đặc biệt, ở khu vực ĐBSCL trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã phải đối mặt với nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn trên diện rộng.

Không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực hiện đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình. Trong đó, đáng kể nhất là ĐBSCL với tốc độ lún trung bình 20 - 40mm/năm. Các khu vực lún nhanh nhất là bán đảo Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Khai dẫn hệ thống cấp nước cho vùng hạn hán

Ông Triệu Đức Huy cho biết: Trước mắt, để đảm bảo nguồn nước cho vùng thiếu nước, xâm nhập mặn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên cơ sở kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất đã thực hiện thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.

Cùng với đó, triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện Giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”.

Theo ông Huy, cần thiết phải xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. “Việc nghiên cứu một số giải pháp điều tiết, tích trữ nguồn nước vào mùa khô ở các khu vực thường xuyên hạn hán, thiếu nước là cũng điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay” – ông Triệu Đức Huy nói.

Ông Triệu Đức Huy cũng thông tin, dự kiến, tháng 4 tới, Trung tâm sẽ chỉ đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam triển khai 3 điểm bơm cấp nước miễn phí từ các giếng khoan do Trung tâm đang quản lý, quan trắc cho người dân các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp người dân đồng bằng sông Cửu Long thoát cảnh “khát nước” trong thời gian hạn hán và xâm nhập mặn.

Xuân Phương

Bạn đang đọc bài viết Ứng xử khôn ngoan với nước ngầm – nguồn tài nguyên chiến lược trong tình huống hạn hán, thiếu nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới