Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ tư, 11/08/2021 07:00 (GMT+7)

Ưu tiên khử carbon trong sản xuất thép để ngăn chặn Trái Đất nóng lên

Theo dõi KTMT trên

Việc cắt giảm lượng khí thải CO2 trong ngành thép toàn cầu từ 3 tỉ tấn vào năm 2020 xuống còn 780 triệu tấn vào năm 2050 sẽ là một thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp này.

Mới đây, thông tin từ Công ty tư vấn và nghiên cứu Wood Mackenzie (Vương quốc Anh) cho biết, ngành thép thế giới sẽ cần ưu tiên khử carbon để đáp ứng mục tiêu đầy thách thức là cắt giảm 75% lượng khí thải carbon nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu gia tăng đến 2 độ C.

Để đạt được mục tiêu trên, Wood Mackenzie cho rằng ngành thép cần tăng gấp đôi lượng phế liệu đầu vào, tăng gấp ba lần sản xuất và sử dụng sắt khử trực tiếp (DRI), đồng thời thu giữ và lưu giữ 45% lượng khí thải carbon.

Theo đó, việc cắt giảm lượng khí thải từ ngành thép trên toàn cầu từ 3 tỉ tấn vào năm 2020 xuống còn 780 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2050 sẽ là một thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp này, bởi nó chiếm 7% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới.

Ngoài ra, ngành thép cũng cần giảm trung bình 70% cường độ phát thải của các lò điện hồ quang trên toàn cầu và giảm 30% cường độ phát thải của lò oxy cơ bản so với mức hiện tại.

Ưu tiên khử carbon trong sản xuất thép để ngăn chặn Trái Đất nóng lên - Ảnh 1
Ngành thép thế giới cần ưu tiên khử carbon để hạn chế nhiệt độ toàn cầu gia tăng. (Ảnh: Bergheim)

Mihir Vora, nhà phân tích cấp cao của Wood Mackenzie nhận định: “Cùng với quá trình khử carbon, các nền kinh tế tiên tiến sẽ cần áp dụng các biện pháp sản xuất thép mới sáng tạo hơn như sử dụng hydro”. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, những thách thức rất lớn và việc vượt qua chúng sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất thép phải có hành động ngay lập tức, cũng như tận dụng nguồn vốn lớn, hợp tác kỹ thuật và chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Wood Mackenzie cho rằng, nhu cầu đối với kim loại công nghiệp chủ chốt sẽ tăng 23% lên 2,3 tỉ tấn từ năm 2020 đến năm 2050, chủ yếu do các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Ấn Độ, Đông Nam Á và Nam Mỹ thúc đẩy. Ngược lại, tiêu thụ ở Trung Quốc, nơi chiếm gần 60% lượng thép thô của thế giới, sẽ chậm lại so với cùng kỳ sau khi đạt đỉnh trong thời gian tới. Trước tình hình đó, lượng khí thải của Trung Quốc cần giảm 88% so với mức hiện tại để đạt được mục tiêu.

Thực tế, các nhà cung cấp quặng sắt cao cấp sẽ được hưởng lợi và dự báo thị trường sản phẩm quặng sắt sẽ tăng trưởng 35%, Công ty tư vấn Wood Mackenzie khẳng định. 

Do đó, với việc tăng cường bơm hydro vào sản xuất thép, nhu cầu về than luyện kim dự kiến sẽ giảm 50% vào năm 2050, ngay cả khi một số nhà máy ven biển Trung Quốc có thể tiếp tục cung cấp than cốc chất lượng cao trong khi Ấn Độ tăng gấp đôi lượng nhập khẩu.

Trong bối cảnh lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”.

Đây là thời khắc quyết định để "thúc đẩy hay bỏ lỡ" các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết được lãnh đạo các nước đưa ra sẽ phát đi thông điệp tích cực, trở thành “cú hích” cho những hành động toàn cầu mạnh mẽ và quyết liệt hơn để vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ưu tiên khử carbon trong sản xuất thép để ngăn chặn Trái Đất nóng lên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới