Chủ nhật, 24/11/2024 07:38 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/07/2022 16:00 (GMT+7)

Vì sao mục tiêu sử dụng vật liệu xanh khó thành hiện thực?

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định, tới năm 2025, 100% các công trình có vốn nhà nước phải sử dụng VLXD không nung, còn công ty vốn thương mại thì 80% nhưng tỉ lệ này đang đứng trước nguy cơ khó có thể thực hiện được.

Dốc sức đầu tư cho vật liệu xanh

Tại hội thảo với chủ đề "Phát triển Ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” vừa diễn ra hồi cuối tháng 6/2022 tại TP.HCM, ông Hoàng Quang Tuyến – Phó Tổng Giám đốc của Công ty CP Gạch ngối Đồng Nai cho biết, trong quá trình phát triển Công ty luôn chú trọng đầu tư những công nghệ tiên tiến nhất nhằm đạt được chất lượng và hiệu suất cao.

Minh chứng cho việc Công ty ứng dụng những công nghệ tiên tiến và cho ra đời những sản phẩm mới, năm 2006 Công ty đã nghiên cứu phát triển, đến năm 2008 các sản phẩm ngói 10 viên/m2 đã được đưa ra thị trường. Ưu điểm của sản phẩm này là giúp giảm trọng lượng mái ngói khoảng 12% so với ngói truyền thống, giảm vật liệu làm rui - mè góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng.

Song song đó, Công ty cũng nghiên cứu các loại men và engobe phù hợp với xương ngói đề phát triển dòng sản phẩm ngói tráng men/engobe đáp ứng nhu cầu về kiến trúc ngày càng đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

TS Nguyễn Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần hóa dầu công nghệ cao Hi- pec (Công ty Hi-pec) cho rằng, hiện nay việc xây dựng các công trình dân dụng gần biển đang rất phát triển, song với khí hậu nhiều muối, ẩm,… việc chống ăn mòn kim loại là vấn đề đang rất được quan tâm. Chính vì thế, Công ty Hi-pec đã đưa ra phương án chống ăn mòn theo tiêu chuẩn thế giới và giá thành rẻ.

Vì sao mục tiêu sử dụng vật liệu xanh khó thành hiện thực? - Ảnh 1
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Hải cũng chia sẻ: “Công ty Hi-pec có thể tự hào là đơn vị tiên phong mang về Việt Nam nhiều công nghệ tiên tiến, xanh sạch, là nhà thầu có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất để làm sạch bề mặt như máy bắn nước siêu cao áp, máy bán hạt garnet khô hoặc ướt, máy bán bằng đá khô,…các thiết bị phun sơn khô nhanh, giàn giáo Nhật, thiết bị đo, kiếm tra với độ chính xác cao”.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng bày tỏ, Công ty là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng năng lượng mặt trời để dưỡng hộ gạch thay cho than, điện hay khí đốt. Từ đó góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Giám sát lỏng lẻo thì khó đạt được mục tiêu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đại diện Công ty Cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng chia sẻ, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất của Công ty cũng gặp khá nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu liên tục thay đổi dẫn đến nguồn nguyên liệu sản xuất bị eo hẹp.

Theo ông Phong, hiện nay các quy định liên quan đến việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định nay vẫn chưa được chặt chẽ, dẫn đến những hạn chế trong việc phát triển rộng rãi vật liệu không nung ra thị trường.

“Theo quy định, tới năm 2025, 100% các công trình có vốn nhà nước phải sử dụng VLXD không nung, còn công ty vốn thương mại thì 80%. Tuy nhiên, do khó khăn bởi dịch bệnh, rồi việc quản lý chưa nghiêm ngặt nên tỉ lệ các công trình sử dụng vật liệu không nung chưa được đảm bảo.

Vì sao mục tiêu sử dụng vật liệu xanh khó thành hiện thực? - Ảnh 2
Vật liệu xây không nung đem lại nhiều lợi ích môi trường nhưng vẫn đang gặp nhiều rào cản.

Hoặc theo chủ trương đề nghị đến 2020 sẽ xoá bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên toàn đất nước. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, nhà nước khuyến khích xây dựng vật liệu không nung, đầu ra của nguyên vật liệu không nung thì chưa được nhiều nhà thầu sử dụng, hoặc rất ít.

Vì vậy, việc thực hiện các chính sách cần chặt chẽ hơn; Các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, giải thích cụ thể các quy định của luật để dễ cho bên thi công hơn, tại vì vật liệu này còn mới, 1 số nhà thầu họ chưa nắm rõ hoàn toàn, thị trường còn bấp bênh” – ông Phong bày tỏ mong muốn.

Ông Phong cho rằng, để vật liệu không nung phát triển thì cần phải có thời gian và quá trình: “Nên thay đổi quy định dần theo từng giai đoạn, ví dụ đến 2025, những công trình cao tầng ở TP.HCM sẽ sử dụng tối thiểu là 80%, còn 2025 – 2030 thì 90%, tăng dần lên như thế sẽ đúng và hợp lý. Không thể bắt nhà thi công thực hiện 100% luôn được. Nhưng nhìn chung quy về tỉ lệ này thì vẫn còn khó khăn cho quá trình kiếm soát”.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm VLXD không nung theo hướng nâng cao yêu cầu chất lượng. Rà soát, xây dựng và ban hành hướng dẫn thi công, nghiệm thu khối xây đối với loại, định mức kinh tế - kỹ thuật về sử dụng VLXD không nung trong công trình xây dựng”.

Định hướng, đến năm 2025, đối với công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng VLXD không nung so với tổng vật liệu xây: Đối với TP. Hà Nội và TP.HCM sẽ sử dụng tối thiểu 90%; Các khu đô thị loại III trở lên ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, Đông Nam bộ sử dụng tối thiểu 80%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; tại các tỉnh còn lại, tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ TP Đà Nẵng, Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Giai đoạn đến năm 2030, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công phải sử dụng 100% VLXD không nung so với tổng vật liệu xây; Các công trình xây dựng 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% so với tổng vật liệu xây; Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận; Nhà nước khuyến khích sử dụng tối đa VLXD không nung vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Thanh Tùng - Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Vì sao mục tiêu sử dụng vật liệu xanh khó thành hiện thực?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới