Chủ nhật, 24/11/2024 07:04 (GMT+7)
Thứ tư, 20/04/2022 07:01 (GMT+7)

Vì sao ô tô ‘đắp chiếu’ lâu ngày vẫn phải nộp hàng loạt các loại thuế, phí?

Theo dõi KTMT trên

Theo kiến nghị của Cử tri tỉnh Bạc Liêu, do dịch bệnh kéo dài nên nhiều loại xe ô tô không hoạt động nhưng vẫn phải nộp các loại phí trên, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 3740/BGTVT-TC gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Cử tri tỉnh Bạc Liêu cho rằng, do dịch bệnh kéo dài nên nhiều loại xe ô tô không hoạt động nhưng vẫn phải nộp nhiều loại phí (bao gồm phí đường bộ, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm đối với các loại xe ô tô trong thời gian 6 tháng...), gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, đối với việc miễn phí sử dụng đường bộ, theo quy định tại điểm d, Điều 2 của Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ quy định rõ: "Các xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí sử dụng đường bộ".

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng quy định để được miễn phí sử dụng đường bộ.

Vì sao ô tô ‘đắp chiếu’ lâu ngày vẫn phải nộp hàng loạt các loại thuế, phí? - Ảnh 1
Do dịch bệnh kéo dài, nhiều loại xe ô tô không hoạt động nhưng vẫn phải nộp nhiều loại phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. (Ảnh minh họa)

Được biết, để giảm khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành 3 thông tư quy định giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và giảm 10% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa hết ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 120 ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe tập lái, xe sát hạch, tiếp tục giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 10% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.

Đồng thời, giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Thời gian giảm phí kể từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Đặc biệt, để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 120 ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022. Ngoài việc quy định giảm phí sử dụng đường bộ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải thì còn quy định giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm trong vòng 6 tháng, đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ cho Sở GTVT xin xác nhận tạm dừng lưu hành. Trường hợp đủ điều kiện, Sở GTVT ký xác nhận vào đơn tạm dừng lưu hành.

Đối với phí đăng kiểm, từ năm 2017 được chuyển sang hoạt động theo cơ chế giá. Hiện nay, hầu hết các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, chỉ còn một số lượng rất nhỏ các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Sở GTVT địa phương.

"Khi dịch bệnh bùng phát thì bản thân các doanh nghiệp đăng kiểm cũng gặp khó khăn như các đối tượng khác trong xã hội, do vậy sẽ không phù hợp nếu giảm giá của các doanh nghiệp hoạt động đăng kiểm để bù đắp khó khăn cho các doanh nghiệp khác", Bộ GTVT bày tỏ.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến đầu tháng 9/2021, TP. HCM đang có hơn 20.000 ô tô dưới 9 chỗ quá hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng. Con số này ở Hà Nội đang là xấp xỉ 14.000 xe và còn tiếp tục tăng nhanh.

Đây được xem là số lượng xe quá hạn đăng kiểm kỷ lục trong nhiều năm qua mà lý do chủ yếu là bởi lệnh giãn cách xã hội, mặc dù hầu hết trung tâm đăng kiểm tại các địa phương này vẫn được hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, thời gian qua nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, xe nằm bãi rất nhiều nhưng vẫn phải chịu phí là không hợp lý. Trong khi đó, không ít trường hợp DN vì thủ tục phiền hà mà không kịp khai báo với cơ quan chức năng về số xe nằm bãi, không hoạt động nên cần xem xét để miễn luôn phí đường bộ cho nhóm phương tiện này. Điều này mang ý nghĩa lớn hơn đối với những DN có nhiều phương tiện phải dừng hoạt động.

Báo cáo, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, có đến 90% DN kinh doanh vận tải đang vay vốn đầu tư phương tiện, cũng như chi phí hoạt động vận tải ở các ngân hàng. Nên trong quãng thời gian phương tiện “đắp chiếu”, không phát sinh lợi nhuận, kết quả kinh doanh chỉ từ chắc chắn không thể có lãi, cùng với đó là các khoản thuế phí, tiền vay ngân hàng lo đời sống cho tài xế, nhân viên đang là gánh nặng lớn mà các DN vận tải khó lòng gánh nếu không có sự quyết tâm lớn cũng như sự hỗ trợ của chính phủ và các bộ, ngành.

Theo quy định hiện hành, một chiếc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau. Trong khi đó, xe ô tô lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn còn 7 loại thuế và phí khác. 

Cụ thể, đối với xe ô tô nhập khẩu lăn bánh tại Việt Nam sẽ cần đến 8 loại loại thuế là: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ô tô và bảo hiểm trách nhiệm dân sự... Xe lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu. Ngoài ra, mỗi chiếc xe lưu thông trên cầu đường có thu phí thì cũng phải trả phí theo quy định của chủ đầu tư. 

Trong thời gian tới, đề án thu phí xe ô tô vào nội đô của Hà Nội và TP.HCM được phê duyệt thì ngoài các loại thuế và phí trên, mỗi chiếc xe khi vào trung tâm hai thành phố lớn của cả nước sẽ phải chịu thêm một khoản phí nữa.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ô tô ‘đắp chiếu’ lâu ngày vẫn phải nộp hàng loạt các loại thuế, phí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới