Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/08/2023 11:55 (GMT+7)

Vì sao tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra ở Tây Nguyên nhiều năm qua?

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, nứt gãy trên bề mặt đất với tần suất dày, gây thiệt hại về người và tài sản.

Trong thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, nứt gãy trên bề mặt đất liên tục xảy ra tại khu vực Tây Nguyên, gây thiệt hại về người và tài sản.

Mới đây nhất là vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc ngày 30/7 khiến 3 cán bộ CSGT và 1 người dân tử vong. Sau trận mưa lớn kéo dài, đất đá trên đèo Bảo Lộc, huyện Đa Huoai tràn xuống vùi lấp trạm cảnh sát giao thông Madagui.

Tại tỉnh Đắk Nông, vụ nứt gãy địa chất kéo dài khoảng 200m chưa rõ nguyên nhân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trên địa bàn.

Cũng theo UBND huyện Tuy Đức, trong ngày 31/7, tại đường huyện 85, thuộc thôn 1, xã Đắk Búk So (trung tâm hành chính huyện) xảy ra hai vụ sạt lở, nứt đất. Ngành chức năng, chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông và di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên xảy ra sạt lở với tần suất dày. Trước đó, rạng sáng 29/6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mưa lớn làm vỡ bờ kè bê tông từ trên cao, đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực.

Sạt lở xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn TP.Đà Lạt. Tại địa bàn phường 3, sạt lở đã xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau khiến 3 căn nhà bị sập, một người bị thương và cây cối ngã đổ. Sạt lở đất xảy ra tại địa bàn phường 5 với mức độ nhẹ.

Vì sao tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra ở Tây Nguyên nhiều năm qua? - Ảnh 1
Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sau trận mưa lớn kéo dài ngày 30/7 khiến 3 cán bộ CSGT Madagui và 1 người dân tử vong. (Ảnh internet)

Ngày 18/6, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một căn nhà của một gia đình bị đất sạt lở vùi lấp khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi, trú tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) tử vong; bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi, vợ ông Quang) bị thương.

Vụ sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ bị uy hiếp nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Cùng ngày, tại thôn 14 (xã Đam B’ri), mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng bờ taluy của một hộ dân. Vụ sạt lở kéo theo hơn 40 m đường vận hành D1 thuộc Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị sụt lún, chia cắt. Vụ sụt lún cũng khiến một trụ điện đường dây vận hành của Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị nghiêng và làm hệ thống cáp quang bị đứt.

Ngày 17/6, tại xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, hàng chục tấn đất đá sạt lở vùi lấp 2 người, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Theo thống kê của Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cùng kỳ 5 năm trở lại đây, chưa năm nào Lâm Đồng lại ghi nhận số vụ sạt lở đất nhiều như năm nay.

Trong đó, tính từ giữa tháng 6 tới nay, tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm nóng về sạt lở ở khu vực Tây Nguyên khi ghi nhận 17 vụ sạt lở, 13 người thương vong.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, vụ sạt lở đã xảy ra khoảng 0h ngày 16/7 tại địa phận thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến 1 ngôi nhà bị đổ sập. Vụ sạt lở đất cũng làm hư hại một số nhà dân lân cận. 

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi về vấn đề này, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sạt lở đất liên quan đến cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người. Chẳng hạn, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền Trung dù muốn hay không cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước.

Vì vậy, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm nhẹ thiên tai.

Liên quan đến vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, khiến 4 người tử vong vừa qua, TS Vũ Ngọc Long - Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho rằng, tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên đều liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... khiến hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật.

Theo ông, nhiều người đổ xô trồng cây cao sản, các thảm thực vật đã biến mất, khi gặp mưa to kéo dài, đất ngấm nước tạo thành những dòng chảy ngầm, cấu trúc đất đá bị rã, vỡ sẽ dẫn đến sạt lở, sụt lún. 

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc lạm dụng các chất hóa học làm sạch mặt bằng khiến hệ vi sinh vật đóng vai trò giữ vững kết cấu đất biến mất. Vị chuyên gia cho rằng,cơ quan chức năng cần phải đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu.

“Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún” - TS Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Đặng Văn Chiền - Giám đốc Trung tâm KTTV tỉnh Đắk Lắk, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì việc rừng bị tàn phá, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến thiệt hại nặng nề như vậy. Ông Chiền dẫn chứng suối Ea Tam có vai trò rất lớn trong việc thoát lũ cho TP.Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, lòng suối đã bị người dân xâm chiếm để xây dựng nhà cửa, đào ao hồ. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây san sát ven các con suối nên khi mưa lớn, nước không kịp thoát ra suối gây ngập nhiều nơi.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nhận định, trước đây Tây Nguyên chưa thấy hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện.

Vị chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư làm phá hủy hệ thống giữ gìn tự nhiên. Khi dân cư tập trung rất nhiều vào các khu vực ven sông, ven suối để ở, kéo theo đó là xây cơ sở hạ tầng, đường sá đã gây nên  những hệ lụy tất yếu, trong đó chủ yếu là những vụ  sạt lở nghiêm trọng.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng tình hình mưa bão tại tỉnh Lâm Đồng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và yêu cầu rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở.

"Trước mắt là 163 điểm phải rà soát lại, nếu có nguy cơ thì phải có biện pháp xử lý và dự phòng. Đặc biệt là di dời dân, tuyệt đối không để mất người nào nữa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra ở Tây Nguyên nhiều năm qua?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới