Chủ nhật, 24/11/2024 04:56 (GMT+7)
Thứ ba, 25/10/2022 16:55 (GMT+7)

Vì sao việc lập Quy hoạch Điện VIII vẫn chậm tiến độ?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã có những cam kết tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII cần phải có điều chỉnh theo cam kết.

3 lần điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, liên quan lĩnh vực điện năng vừa qua, có ý kiến cho rằng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) vẫn còn chậm. Theo đó, việc chậm là có lý do.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù ở vị trí này được 1,5 năm nhưng ông đã ít nhất 3 lần trình Quy hoạch Điện VIII trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, gần đây Việt Nam có những cam kết tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo đó cần phải có điều chỉnh theo cam kết.

Vì sao việc lập Quy hoạch Điện VIII vẫn chậm tiến độ? - Ảnh 1
Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, sau 3 lần điều chỉnh, Quy hoạch Điện VIII đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu, các nghị quyết của Đảng đáp ứng được yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Quy hoạch của điện VII điều chỉnh và dần khắc phục những thách thức đối với cam kết của Việt Nam ở COP26.

Do đó, việc ban hành cơ chế giá FIT đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng cơ chế giá cho những dự án điện chuyển tiếp, nhưng 3 năm đầu không ra được cách tính, bởi vì làm cách gì cũng mâu thuẫn.

Bởi theo quyết định, nếu như dự án không được hưởng giá FIT thì giá chuyển tiếp phải có giá cạnh tranh, mà đã cạnh tranh phải đấu thầu, đấu giá nhưng nếu mở hai luật: Luật Giá và Luật Điện lực đem ra đấu giá sẽ vi phạm. Trong khi đó, bây giờ đấu giá là 1-2 năm, mà chính sách về giá FIT ổn định là 20 năm, việc đấu giá trong 1-2 năm, ngân hàng cho vay sẽ khó khẳng định được phương án tài chính. "Cho nên muốn xây dựng cơ chế giá cho dự án điện chuyển tiếp phải thống nhất vừa đáp ứng được Luật giá và Luật điện lực", Bộ trưởng nhận định.

Hiện Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tập đoàn điện lực Việt Nam đã xây dựng xong đề xuất khung giá điện, Bộ sẽ thẩm định trong tuần này, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khung giá theo đúng quy Luật Giá và đúng Luật Điện lực.

Đến ngày 18/11/2022 là thời điểm Thông tư của Bộ Công Thương quy định về khung giá có hiệu lực thì cũng là ngày có khung giá cho các dự án chuyển tiếp cũng như giá cho các dự án điện, năng lượng tái tạo tương lai.

Quyết tâm cao về cắt giảm điện than

Theo các chuyên gia, Quy hoạch Điện VIII thể hiện quyết tâm của Việt Nam về cắt giảm điện than, tận dụng tiềm năng lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030. 

Quy hoạch Điện VIII đã được Hội đồng thẩm định thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoach điện VIII cho thời kỳ 2021-2030 vẫn chưa được thông qua trong tháng 6/2022 như kỳ vọng.

Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá, cho thấy một số vấn đề còn cần chỉnh sửa, như quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện...

Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Trong quá trình xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Thường trực Chính phủ cũng đã có kết luận về dự thảo Quy hoạch Điện VIII với nhiều chỉ đạo quan trọng.

Trước đó, tại Đề án Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình lại tại Tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022, trong đó có 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ.

Theo đó, 6 nội dung được Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ trong Tờ trình lần này gồm: Rà soát các dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch Điện VIII; về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Gần đây nhất, tại tờ trình Chính phủ số 6328/TTr-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), Bộ Công Thương đã không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối.

Theo kết quả rà soát các dự án nhiệt điện than đến hết tháng 9/2022, Việt Nam đã có 39 nhà máy với tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành. Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và đang triển khai xây dựng. Còn lại 5 dự án có tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).

Bộ Công Thương cho hay, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối.

Tuy nhiên, để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vấn đề trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng/chấm dứt các dự án. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.

Trước đó, trong quá trình rà soát trước đây, Bộ Công Thương đã đề xuất không đưa vào Quy hoạch Điện VIII 13.220 MW nhiệt điện than. Trong đó có 8.420 MW do các Tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư.

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, liên quan đến vấn đề chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường.

"Việc tổ chức Quy hoạch Điện VIII theo đúng mục tiêu thì đến 2050 sẽ có năng lượng vừa đủ để phát triển nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm khí thải. Đây là hành động thể hiện quyết tâm của Chính phủ về lĩnh vực môi trường. Nếu ta thực hiện đúng quy hoạch đó thì đến năm 2050 thì ta có năng lượng vừa đủ nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm phát thải khí thải", Phó Thủ tướng thông tin.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao việc lập Quy hoạch Điện VIII vẫn chậm tiến độ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới