Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Chủ nhật, 30/01/2022 07:00 (GMT+7)

Việt Nam khẳng định sẽ cứu Trái Đất trên trường quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Việt Nam đã có lộ trình cứu Trái Đất

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Vài năm gần đây, thời tiết tại Việt Nam ngày càng bất thường. Các hình thái thời tiết cực đoan trải dài rộng khắp trên mọi miền đất nước như khô hạn, bão lũ, mưa cực đoan, giông lốc, rét đậm rét hại diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, với đường bờ biển dài 3.260 km, nước biển dâng cũng đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam. Theo dự báo của giới chuyên gia, nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Việt Nam khẳng định sẽ cứu Trái Đất trên trường quốc tế - Ảnh 1
Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26.

Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị COP26, bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; Tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan; Tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất... là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những cam kết này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, không chỉ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị lộ trình thực hiện; Trong đó có việc đưa các nội dung ứng phó với BĐKH thực hiện các cam kết đóng góp thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật BVMT năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cùng với các văn bản, đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021; Xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu minh bạch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với BĐKH.

Cùng với các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã chi hàng tỉ USD cho công tác ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai; Xây dựng các mô hình sinh kế, thích ứng với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo; nâng cấp công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; Xây dựng các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn; Đóng góp tài chính cho BĐKH và Quỹ Khí hậu xanh, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về BĐKH …

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đã được xây dựng theo hướng tiếp cận các quy định mới nhất trong đàm phán BĐKH, hoàn toàn phù hợp với các quy định mới nhất vừa được thông qua tại Hội nghị COP26, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với BĐKH.

Trong số đó, phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.

Việt Nam khẳng định sẽ cứu Trái Đất trên trường quốc tế - Ảnh 2
Nhiều thách thức với môi trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; Với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn; Nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính.

Cụ thể, dự thảo ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Các quy định của các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định để triển khai thực hiện.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris.

Phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.

Bộ TN&MT sẽ xây dựng Đề án nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH; Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để đưa ra những cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH và phát triển năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và cácbộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia, triển khai áp dụng các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon và phát triển thị trường carbon trong nước; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường.

Việt Nam gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Mô hình kinh tế tuần hoàn được cả thế giới đánh giá cao vì đáp ứng được yêu cầu giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó BĐKH hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, mô hình có các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đều phục vụ để kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Và Việt Nam đang quan tâm, định hướng phát triển nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nỗ lực phát triển bền vững. Ví dụ điển hình của mô hình này là biến chất thải của nhà máy này làm vật liệu cho nhà máy khác, giảm tối thiểu chất thải ra môi trường, dần tiến gần đến không phát sinh chất thải để có sự phát triển kinh tế.

Việt Nam khẳng định sẽ cứu Trái Đất trên trường quốc tế - Ảnh 3
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực môi trường và kinh tế. Với mô hình này chi phí sản xuất của các khu công nghiệp sẽ được giảm, hơn thế mô hình giúp giảm thiểu rác thải, ô nhiễm cho môi trường. Phát triển kinh tế xanh không làm hại đến môi trường đó là cơ chế phát triển bền vững.

Ngoài kinh tế còn có nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không chỉ riêng kinh tế, nhưng đây là lĩnh vực hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn dựa trên yếu tố cấu thành nó nhằm gắn chặt kinh tế với môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững.

Tại một hội nghị về phát triển bền vững kinh tế biển do Bộ NN&PTNT tổ chức, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho rằng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển nước ta. Đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng; khiến các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững nghề cá biển nước ta.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để bảo tồn và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, cần thực hiện pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cho dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển để họ tham gia chủ động hơn vào việc quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ ban quản lý trong thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác bất hợp lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho rằng, nước ta cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai; Quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới.

“Cần phải lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; Bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; Đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…”, Tổng cục trưởng cho biết.

Để giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường biển, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.

Đồng thời, các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát liên ngành trong kiểm soát môi trường biển cũng được xây dựng, hoàn thiện như: Tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam khẳng định sẽ cứu Trái Đất trên trường quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới