Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
Thứ hai, 01/07/2019 21:45 (GMT+7)

World Bank: Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, tăng trưởng 6,6%

Theo dõi KTMT trên

Ngày 1/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố Báo cáo bán thường niên "Điểm lại", cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 với đánh giá triển vọng vẫn tích cực dù tăng trưởng có chậm lại.

Theo World Bank, trong nửa đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ yếu tố bất lợi bên ngoài. Rủi ro tiếp tục gia tăng do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại leo thang và biến động tài chính nhiều hơn.

Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.

“Đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm nhưng triển vọng vẫn tích cực”, báo cáo của World Bank nêu.

World Bank: Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, tăng trưởng 6,6% - Ảnh 1
World Bank dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2019

Ông Sebastian Eckardt Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần đây giảm tốc là do tác động dội của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Với nhận định triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, World Bank dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2019 sẽ giảm còn 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa và tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.

Ông Sebastian Eckardt cũng chỉ ra nhiều rủi ro có thể gia tăng do các nguyên nhân như: căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Nhưng căng thẳng thương mại cũng tạo ra cơ hội khi xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam tăng hơn. Cùng với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.

Nhận định lạc quan, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của World Bank cho biết: “Chúng tôi tin rằng triển vọng với Việt Nam vẫn tích cực. Động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11 - 12%/năm trong vòng 4 năm qua. Ngành dịch vụ đạt kết quả kinh doanh tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững”.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn 58,4% năm 2018. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%...

Kinh tế Việt Nam sẽ có thêm cơ hội “kép” sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn vào hồi cuối năm ngoái và mới đây là EVFTA là một hiệp định thương mại quan trọng khác đối với Việt Nam. Hai hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác thương mại đa dạng trên thế giới, song, để tiếp cận thị trường rộng lớn của CPTPP hay EU, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh.

“Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, với chỉ số lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng ca. Tình trạng thâm hụt ngân sách tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp tỷ lệ nợ công/GDP được cải thiện”, World Bank nhận định.

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và trong năm 2020-2021 có mức tăng khoảng 6,5%.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết World Bank: Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, tăng trưởng 6,6%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới