Chủ nhật, 24/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ năm, 10/02/2022 22:00 (GMT+7)

WWF kêu gọi khẩn cấp xây dựng Hiệp ước quốc tế về rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Trước thực trạng đó, WWF mong muốn đưa ra những quy chuẩn toàn cầu trong sản xuất sản phẩm nhựa và tái chế rác thải nhựa.

Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố một báo cáo cho thấy thực trạng rác thải nhựa đại dương. Từ đó, tổ chức này kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp nhằm xây dựng một Hiệp ước quốc tế về rác thải nhựa.

Theo đó, báo cáo được đưa ra tại thời điểm Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường dự kiến diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 2/3/2022 tại Nairobi (Kenya), trong đó, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận về việc xây dựng nội dung dự thảo hiệp ước thải nhựa toàn cầu.

Báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa dạng sinh học và sinh thái biển. Theo đó, WWF cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của Trái Đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.

WWF kêu gọi khẩn cấp xây dựng Hiệp ước quốc tế về rác thải nhựa - Ảnh 1
Rác thải nhựa đang là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: Shutterstock)

Mỗi năm, thế giới có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động cấm sử dụng sản phẩm nhựa này.

Theo một nghiên cứu năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại cho thấy, 30% cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại biển Bắc chứa hạt vi nhựa trong dạ dày của chúng.

WWF cho hay, hiện không có đủ bằng chứng để ước tính những hậu quả tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương đối với con người. Tuy vậy, báo cáo phát hiện sự tồn tại của các chất có gốc là nhiên liệu hóa thạch ở mọi khu vực của biển cả, từ mặt biển đến đáy sâu đại dương sâu, từ các cực đến đường bờ biển của những hòn đảo xa xôi nhất, phát hiện ở cả những sinh vật phù du nhỏ nhất cho đến cá voi - loài lớn nhất sinh sống ở biển.

Thực tế cho thấy, khi ở trong nước, nhựa bắt đầu phân hủy, nhỏ hơn và thậm chí, nhỏ mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, ngay cả khi các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong đại dương hoàn toàn chấm dứt, lượng vi nhựa tại đây vẫn có thể tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Trong khi đó, rác thải nhựa vẫn tiếp tục đổ ra biển với khối lượng tăng gấp 2 lần vào năm 2040 theo ước tính. Cũng trong khoảng thời gian này, WWF dự báo ô nhiễm nhựa tại các đại dương sẽ tăng gấp 3 lần.

“WWF mong muốn Hội nghị môi trường sắp tới sẽ nhất trí thông qua Hiệp ước về rác thải nhựa toàn cầu, từ đó, đưa ra những quy chuẩn toàn cầu trong sản xuất sản phẩm nhựa và tái chế rác thải nhựa. Việc làm sạch các đại dương là một vấn đề rất khó khăn và đòi hỏi chi phí cao, vì vậy, cần tránh làm ô nhiễm đại dương ngay từ đầu”, ông Lindebjerg nhấn mạnh.

Ông Eirik Lindebjerg - Giám đốc Phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF nhận định, rác thải nhựa đang là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi. Đáng lo ngại nhất, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ mạng lưới thức ăn của các động vật biển.

Tương tự cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, cần cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần đặt ra các mục tiêu hạn chế rác thải nhựa đổ ra biển. Hiện, một số vùng biển trên thế giới như Địa Trung Hải, Hoàng Hải đã chạm ngưỡng giới hạn về rác thải nhựa. Do đó, cần nhanh chóng có hành động nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải, trung hòa ô nhiễm trong thời gian sớm nhất.

Ô nhiễm nhựa ngày càng tăng 

Hiện tại, nhựa chiếm 85% tổng khối lượng rác thải trên các đại dương. Đến năm 2040, con số này sẽ tăng gần gấp 3 lần, thêm 23-37 triệu tấn chất thải vào đại dương mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 50 kg nhựa trên mỗi mét bờ biển. 

Hệ quả, tất cả các sinh vật biển, từ sinh vật phù du và động vật có vỏ; đến các loài chim, rùa và động vật có vú sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng bị nhiễm độc, rối loạn hành vi, chết đói và ngạt thở. 

Cơ thể con người cũng dễ bị tổn thương tương tự. Nhựa được hấp thụ qua hải sản, đồ uống và thậm chí cả muối thông thường. Chúng cũng xâm nhập vào da và được hít vào khi lơ lửng bay trong không khí. Đối với nguồn nước, ô nhiễm nhựa có thể gây ra thay đổi nội tiết tố, rối loạn phát triển, bất thường sinh sản và thậm chí là ung thư.

Trên toàn cầu, kể đến các tác động từ du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cùng với chi phí của các dự án làm sạch, ước tính từ 6-19 tỉ USD mỗi năm, trong năm 2018. 

Đến năm 2040, con số rủi ro tài chính hàng năm lên đến 100 tỉ USD cho các doanh nghiệp nếu Chính phủ yêu cầu họ trang trải chi phí quản lý chất thải. Điều này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng việc xử lý rác thải trong nước và quốc tế bất hợp pháp. 

Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2019) thống kê lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8kg/người vào năm 1990.

Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” mà các chuyên gia đã gọi.

Trước thực tế này, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WWF kêu gọi khẩn cấp xây dựng Hiệp ước quốc tế về rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới