Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ ba, 08/03/2022 18:00 (GMT+7)

Xanh hóa cảng biển: Xu thế phát triển bền vững để thực hiện cam kết ‘Net Zero’

Theo dõi KTMT trên

Sự phát triển của cảng biển trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện cam kết "phát thải ròng bằng 0", phát triển cảng biển theo hướng thân thiện với môi trường là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến.

Tiềm ẩn tác động tới môi trường

Cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác, việc khai thác cảng biển cũng tiềm ẩn các tác động đến môi trường. Chất thải chủ yếu phát sinh từ các hoạt động như: Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; Hoạt động trong quá trình kinh doanh, khai thác cảng biển; Hoạt động của tàu biển, thiết bị hỗ trợ hoạt động của tàu biển; Hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, nạo vét thủy điện cầu cảng. 

Mặt khác, với yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường, công tác kiểm soát ô nhiễm cảng biển trong thời gian tới vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như trang thiết bị và cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các cảng biển còn hạn chế, các bến cảng hầu hết có quy mô nhỏ nên không có khả năng đầu tư được trang thiết bị và cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường như hệ thống tiếp nhận chất thải từ tàu, hệ thống kiểm soát ô nhiễm từ tàu, hệ thống ứng phó sự cố môi trường…

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Trong khi đó tại các cảng biển Việt Nam, nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường còn khá hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với các sự cố môi trường đối với hàng nguy hiểm dẫn đến hiệu quả thực hiện các giải pháp về phòng, chống ô nhiễm môi trường cảng biển chưa cao.

Xanh hóa cảng biển: Xu thế phát triển bền vững để thực hiện cam kết ‘Net Zero’ - Ảnh 1
Khai thác cảng biển đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mới trong việc tích hợp công nghệ mới vào tự động hóa, tắc nghẽn giao thông, hòa hợp các cộng đồng dân cư xung quanh cảng, định lượng và giảm khí thải CO2 cũng như lập kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, sự cần thiết của việc cải thiện khả năng thích ứng cho cơ sở hạ tầng tại cảng trong điều kiện áp lực gia tăng từ nhu cầu thị trường, thiếu hụt nhân lực và giá cả leo thang cũng cần được xem trọng.

Năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao giải thưởng Cảng xanh 2020 và trở thành cảng thứ 2 của Việt Nam sau Tân Cảng Cát Lái nhận được danh hiệu này (năm 2017). 

Chia sẻ về kinh nghiệm “xanh hóa” cảng biển, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp này đã tập trung vào các tiêu chí như: Tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0…

Những tiêu chí đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động: Thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEUS (thay thế được khoảng 2.000 ô tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông…

Chiến lược xanh trong phát triển cảng biển

Trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế.

Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai “Xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam”. Đề án hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt và giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển triển khai thực hiện.

Theo lộ trình trong Đề án, từ năm 2021-2022, cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chí “cảng xanh”. Từ năm 2023, mô hình “cảng xanh” tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện.

Đến giai đoạn 2025-2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí “cảng xanh” sẽ được xây dựng và ban hành. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí “cảng xanh” ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí “cảng xanh” cho hệ thống cảng biển Việt Nam cũng sẽ được thực hiện ở giai đoạn này.

Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.

Theo bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, "Cảng xanh" tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm); sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm); quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm); sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm); giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm).

“Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm). Doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí”, bà Tú Anh thông tin.

Tham gia tích cực vào "Cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero)" của Chính phủ, đồng thời thực hiện quy hoạch tổng thể cảng biển tới năm 2030 cùng các kế hoạch tiêu chí cảng xanh, ngành hàng hải Việt Nam đang đứng trước giai đoạn phát triển mới với chiến lược đầy tham vọng và thách thức.

5 điểm khởi đầu trong hành trình chuyển đổi cảng biển xanh ở Việt Nam

Thứ nhất, tích hợp chuỗi cung ứng. Những cải thiện trong liên kết các phương tiện giao thông hứa hẹn nâng cao hiệu suất và giảm ùn tắc tại khu vực cảng. Việc sắp xếp vị trí theo thời gian cho xe tải, hệ thống lập lịch trình chất hàng lên sà lan và số hóa các quy trình cho phép các nhà vận hành tương tác với chuỗi cung ứng theo thời gian thực.

Thứ hai là cơ hội về tự động hóa. Cụ thể, các quy trình có thể áp dụng tự động hóa từ giai đoạn đầu gồm: Kiểm soát ra vào cổng cảng sử dụng nhận dạng quang học (OCR), nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) hoặc cầu cân tự động; các dịch vụ kỹ thuật số trực tuyến giúp tính toán hoặc thanh toán hóa đơn thương mại; các công cụ như bốt chấm công tự động hoặc số hóa bản kê khai hàng hóa để giảm việc nhập liệu thủ công.

Thứ ba là ứng dụng các công nghệ phù hợp. Sau khi Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư cho công nghệ 5G, các cảng sở hữu tiềm năng bật nhảy có thể bỏ qua nhiều giai đoạn phát triển theo lộ trình mà vẫn đảm bảo sở hữu băng thông nhanh và đáng tin cậy.

Thứ tư là chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng. Bước đầu trong việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng cần thiết cho các cảng ở Việt Nam là thực hiện đánh giá lượng khí thải liên quan đến hoạt động của cảng. Từ đây, một chiến lược sẽ được phát triển, cho phép chuyển đổi từng bước đến mức phát thải bằng 0 nhưng vẫn phù hợp các chương trình đã thiết lập.

Thứ năm là thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm giảm những rủi ro từ thiên tai, các nhà vận hành tại Việt Nam cần đánh giá rủi ro từ khí hậu và khả năng chống chịu của cảng. Việc này giúp đưa ra quyết định liên quan đến biện pháp thích ứng trước các nguy cơ thiên tai. Những cảng nắm bắt thời cơ này, thay đổi, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và thông minh hứa hẹn sở hữu lợi thế dẫn đầu khi ngành cảng biển và hàng hải bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xanh hóa cảng biển: Xu thế phát triển bền vững để thực hiện cam kết ‘Net Zero’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới