Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 17:00 (GMT+7)

Xây dựng cơ chế giá điện, đảm bảo thu hút đầu tư và ổn định an ninh năng lượng

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia kinh tế năng lượng cho rằng, trọng tâm nhất là phải có cơ chế giá, làm thế nào đảm bảo giá điện vẫn thu hút đầu tư và ổn định an ninh năng lượng.

Nhiên liệu đầu vào tăng, EVN cam kết không tăng giá điện

Với 77.000 MW, Việt Nam đang đứng thứ nhất Đông Nam Á về công suất đặt nguồn điện, chất lượng điện năng đáp ứng tốt nhu cầu. 

Chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện” mới diễn ra, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù áp lực từ các chi phí đầu vào, sản xuất của ngành điện tăng rất mạnh, nhưng EVN sau khi cân đối tài chính, cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao. Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, từ 6-8 USD/triệu BTU thì nay khoảng 20 USD/triệu BTU.

Cùng đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao. Tất cả các yếu tố đó ngành điện nói riêng và nhiều ngành khác đều đang phải chịu áp lực, ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh.

Xây dựng cơ chế giá điện, đảm bảo thu hút đầu tư và ổn định an ninh năng lượng - Ảnh 1
Trước áp lực từ các chi phí đầu vào, sản xuất của ngành điện tăng rất mạnh, nhưng EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện.

"Nhưng sau khi cân đối thì EVN cam kết năm 2022 sẽ không tăng giá điện. Chúng ta sẽ cân đối làm sao, chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là sau quá trình phục hồi do đại dịch Covid-19. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có thể cân đối", ông Nguyễn Tài Anh nói.

Tuy vậy, lãnh đạo EVN cũng cho rằng, dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao như vậy, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào với bán điện là hết sức khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để đảm bảo mức bán điện hợp lý.

"Ở các năm sau, Tập đoàn sẽ tiếp tục cân đối các khoản này, thậm chí có thể lợi nhuận tiếp tục bằng 0, nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được thì Chính phủ, các bộ ngành cũng tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích", ông Tài Anh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hiện nay công suất đặt của toàn hệ thống điện lên tới 77.000 MW nhưng vẫn có tình trạng thiếu điện cục bộ khi thực tế, công suất phụ tải chỉ khoảng 43.000 MW.

Lý giải về vấn đề này, ông Trung cho hay, việc suy giảm hiệu suất ở các nhà máy nhiệt điện hay xảy ra vào các tháng cuối mùa khô. Nguồn năng lượng tái tạo là điện mặt trời không phát được vào buổi tối trong khi lúc này nhu cầu điện lại nhiều. 

Với điện gió, dù đã vào thêm 4.000 MW nhưng chế độ vận hành thất thường khi có thời điểm chỉ đóng góp được 350 - 400 MW, nên tính ổn định không cao.

"Từ đầu năm tới nay vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện nhưng với các lý do nêu trên, việc đảm bảo cấp điện vào mùa khô sẽ tương đối khó khăn, khả năng thiếu 2.000 - 3.000 MW vào cuối mùa khô năm nay", ông Trung cho hay.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, nguy cơ thiếu điện cục bộ là do khi thực hiện quy hoạch điện, việc thực hiện các nguồn điện gặp khó khăn khi có tới 10 dự án nguồn lớn chậm tiến độ, dẫn tới thiếu hụt công suất khoảng 7.000 MW.

Trong khi đó, nguồn điện năng lượng tái tạo dù đã đưa vào vận hành, bù đắp thiếu hụt công suất, nhưng việc đầu tư truyền tải nguồn năng lượng tái tạo chưa đạt tiến độ, ảnh hưởng tới cung ứng điện cho miền Bắc ở một số thời điểm nhất định. 

Nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư trong triển khai dự án điện

Ngoài nỗi lo huy động đủ vốn cho các dự án điện, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về tính rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư, cơ chế giá điện chưa hấp dẫn, chính sách đầu tư thiếu ổn định...

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc cho hay, khi nhu cầu điện ngày càng lớn thì vốn cho các dự án để đủ điện phục vụ phát triển kinh tế cũng lớn tương ứng. Nhưng để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân, hay kể cả nguồn vốn đầu tư của nhà nước cũng vậy.

Ngành điện đã có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng vẫn do Nhà nước quyết định, thì doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kể cả với doanh nghiệp có vốn Nhà nước như EVN trong đảm bảo duy trì cung cấp điện. Sẽ không thể thu hút đầu tư vào ngành điện nếu không có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khó đảm bảo an ninh trong cung cấp điện.

"Trọng tâm nhất là phải có cơ chế giá, lần điều chỉnh gần nhất là 2019 trong khi giá đầu vào luôn biến động. Khó khăn của đầu vào là than, khí tăng cao, kéo chi phí đầu vào tăng chóng mặt", ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh. Do đó, làm thế nào đảm bảo giá điện vẫn thu hút đầu tư và ổn định an ninh năng lượng.

Dưới góc độ nhà đầu tư tư nhân, ông Lê Như Phước An, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group nhấn mạnh: "Phải giảm được rủi ro, tăng tỷ suất lợi nhuận mới đảm bảo thu hút vốn đầu tư vào các dự án điện". Cơ chế giá hiện cũng khá bất lợi với nhà đầu tư. Nguồn vốn dùng ngoại tệ nhưng giá điện tính bằng đồng VND, rủi ro cho doanh nghiệp khá hiện hữu.

Là nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất năng lượng (từ xây dựng, vận chuyển, lắp đặt...), Trungnam Group có thế mạnh làm điện gió. Với đặc thù làm dự án điện cần một lượng vốn rất lớn, với đặc thù chi phí đầu tư cao, quy mô của Ngân hàng thương mại trong nước bị hạn chế, doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn nước ngoài, đại diện Trungnam Group xác nhận, khó khăn là dự án phải đảm bảo được tỷ suất sinh lời hấp dẫn, ít rủi ro, trong khi quy mô thị trường năng lượng Việt Nam đủ thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng yếu tố rủi ro trong đầu tư lại cao.

Bàn về giải pháp tháo gỡ những tồn tại về chính sách trong đầu tư các dự án điện, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế huy động và đảm bảo nguồn tài chính tư nhân và quốc tế, chính sách tài chính nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo cần được hoàn thiện, giá điện ưu đãi và cạnh tranh, các chính sách thuế ưu đãi cho năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này cần được sử dụng triệt để.

Liên quan đến định hướng phát triển nguồn điện, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mục tiêu là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng. Từng bước loại bỏ một cách mạnh mẽ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc trung hòa Carbon vào năm 2050.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng cơ chế giá điện, đảm bảo thu hút đầu tư và ổn định an ninh năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới