Chủ nhật, 24/11/2024 05:30 (GMT+7)
Thứ hai, 06/05/2024 08:22 (GMT+7)

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5)

Theo dõi KTMT trên

Theo Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn huyện Hoài Đức được quy hoạch 15 CCN với diện tích 223,78ha. Đến nay, có 12 CCN đã có quyết định thành lập, trong đó 10 CCN đang hoạt động, 2 CCN đang triển khai thủ tục thành lập.

LỜI TÒA SOẠN

Công nghiệp xanh (green industry) là nền công nghiệp sản xuất và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của công nghiệp xanh là tạo ra các sản phẩm/dịch vụ bằng cách sử dụng các quy trình và công nghệ thân thiện với môi trường, từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất đến giai đoạn sử dụng và tái chế.

Trên thế giới khu công nghiệp truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Tại Việt Nam phát triển khu, cụm công nghiệp xanh là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Vì vậy, xây dựng khu, cụm công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế tất yếu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% và 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường...Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.

Từ thực tiễn trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cùng với sự tham vấn của các chuyên gia là các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, môi trường xây dựng chuyên đề: Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững.

Loạt bài viết sẽ khái quát toàn bộ hiện trạng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, ghi nhận, phân tích và đánh giá những mặt đạt được, chưa đạt được. Đồng thời, qua góc nhìn của các chuyên gia, sẽ có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý để các cụm, khu công nghiệp xanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Đông Phú Yên (huyện Chương Mỹ); Tam Hiệp, Liên Hiệp - giai đoạn 2 (huyện Phúc Thọ); Xà Cầu (huyện Ứng Hòa). Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đang tạo tác động kép hiệu quả cho các địa phương có làng nghề, khi vừa tạo nguồn lực kinh tế, giải bài toán lao động nông thôn, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường... Đây cũng là những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thành phố lâu nay.

Thực tế, việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp những năm qua luôn gắn với địa phương có nghề, làng nghề truyền thống. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã.

Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, hoàn thành nhiều tiêu chí trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, xin giao đất để khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã được phê duyệt; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp đã được xây dựng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại một số Khu, cụm công nghiệp làng nghề đã được triển khai xây dựng đang còn một số tồn tại bất cập khiến các hộ làm nghề truyền thống còn nhiều tâm tư. Câu chuyện được ghi nhận từ các cụm công nghiệp đang được triển khai ở huyện Hoài Đức.

Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 31.260 tỷ đồng, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2022; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 57,23%, công nghiệp - xây dựng 39,12%, tăng 10,53% so với cùng kỳ... Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 2.074 tỷ, đạt 87,7% dự toán Thành phố và Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện giao, tăng 20,6% so với cùng kỳ, huyện không còn hộ nghèo.

Năm 2024, Hoài Đức sẽ chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, nhất là thế mạnh về làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, cụm công nghiệp, duy trì hiệu quả các mặt hàng là thế mạnh của huyện. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tại huyện Hoài Đức vẫn còn những CCN hoạt động không hiệu quả, trái với chủ trương chung của Nhà nước và TP Hà Nội cụ thể:

CCN La Phù: Phê duyệt một nơi, sản xuất một nơi

Ngày 20/7/2017, UBND TP.Hà Nội đã ký quyết định số 4757/QĐ-UBND về việc thành lập CCN La Phù. Theo quyết định này thì CCN La Phù có diện tích 11,49 ha. Thời gian hoạt động của CCN La Phù thuộc danh mục các CCN được giữ nguyên trạng, hạn chế phát triển, lâu dài thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5) - Ảnh 1
CCN La Phù được phê duyệt nhưng trở thành khu dân cư.

Mục tiêu thành lập cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Hoài Đức. Tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng các công trình trên phạm vi đất quy hoạch. Góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động tại địa phương. Tính chất, chức năng của CCN nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến nông sản thực phẩm và kinh doanh, dệt may...).

Tuy nhiên, trên thực tế tại khu vực CCN được TP.Hà Nội phê duyệt xuất hiện hàng loạt ngôi nhà biệt thự bề thế cao từ 4-5 tầng rộng hàng trăm mét vuông mọc lên trên đất CCN. Còn khu vực tập trung nhà xưởng, cơ sở sản xuất lại ở một nơi khác cách nơi được phê duyệt cả cây số.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5) - Ảnh 2
Các nhà xưởng sản xuất năm trền đường Đồng Tiến không thuộc khu vực phê duyệt.

Tại khu vực tự phát này có tới hàng trăm nhà xưởng sản xuất mọc lên trên diện tích đất nông nghiệp với cả chục héc ta đang ngày đêm hoạt động. Các cơ sở sản xuất này xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật của Nhà nước như Luật đất đai, Luật PCCC, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp…

Như vậy, cả 2 vị trí đều vi phạm pháp luật, CCN La Phù được TP.Hà Nội phê duyệt thì toàn biệt thự, nhà cao tầng. Còn nơi diễn ra hoạt động sản xuất thì không được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật khác.

CCN Lại Yên: Phê duyệt một đằng, hoạt động một nẻo

Cụm công nghiệp Lại Yên được phê duyệt theo Quyết định số 4756/QĐ-UBND, ngày 20/7/2017, của UBND TP.Hà Nội có quy mô 27,2ha với mục tiêu Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, bao bì, dệt may, cơ khí, hương… Tuy nhiên, từ lâu nó đã biến thành thủ phủ của trạm trộn bê tông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cụ thể như: Công ty TNHH Sungshin Vina; Công ty TNHH Việt Tiệp; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng quốc tế Asean; Công ty cổ phần bê tông Thăng Long; Công ty TNHH xây dựng và đầu tư phát triển HT86 Việt Nam (trạm trộn HT86); Công ty TNHH xây dựng và trạm bê tông An Phúc; Công ty Cổ phần Licogi 12.1…

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5) - Ảnh 3
CCN Lại Yên trở thành thủ phủ của trạm trộn bê tông.

Mặc dù, UBND huyện Hoài Đức đã nhiều lần ra quyết định buộc các trạm trộn bê tông này phải di dời khỏi CCN nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết: Cho dù biết việc các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng trạm trộn bê tông không phép, gây ô nhiễm môi trường nhưng UBND xã lại không đủ thẩm quyền xử lý, giải quyết.

Hàng loạt vi phạm tại CCN Dương Liễu

Theo Kết luận thanh tra của TP.Hà Nội năm 2023, CCN Dương Liễu được thành lập theo quyết định số 16 năm 2012 của UBND TP Hà Nội với quy mô 12,05ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật 260 tỷ đồng.

Về công tác quản lý, sử dụng đất, tại thời điểm xin được ưu đãi về tiền thuê đất tháng 12/2018, chủ đầu tư lập danh sách 69 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề đăng ký di dời vào sản xuất trong cụm công nghiệp với tổng diện tích 43.484,2m2. Tuy nhiên, theo hồ sơ miễn giảm tiền thuê đất do Chi cục thuế huyện Hoài Đức cung cấp thì danh sách chỉ hiển thị tên, địa chỉ, số điện thoại, vị trí lô đất, diện tích đăng ký thuê của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhưng không thể hiện rõ ngành nghề sản xuất kinh doanh trong làng nghề.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5) - Ảnh 4
CCN Dương Liễu (làng nghề miến dong Dương Liễu) xuất hiện nhà, biệt thự.

Qua kiểm tra danh sách nêu trên, phát hiện có cả cá nhân được thuê đất không phải là người trong làng nghề Dương Liễu và 28 trường hợp có ngành nghề kinh doanh bao gồm cả thương mại và sản xuất. Theo kết quả kiểm tra hiện trạng các trường hợp trên phần lớn là chuyển nhượng… Thời điểm thanh tra có 32 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chưa đưa đất vào sử dụng (51 lô đất với diện tích 18.697m2) theo hợp đồng thuê đất đã ký với chủ đầu tư.

Cũng qua kiểm tra hiện trạng, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, 5 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sản xuất công nghiệp (chuyển đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ); 8 trường hợp cho thuê lại nhà xưởng sản xuất không thông báo với chủ đầu tư; 12 trường hợp kiểm tra hiện trạng thấy công trình văn phòng, nhà điều hành có một số phòng có giường ngủ, phòng khách, phòng bếp…

Về công tác quản lý hoạt động xây dựng, UBND huyện Hoài Đức cấp giấy phép xây dựng các dự án sản xuất trong cụm công nghiệp đối với các ô đất C4-4, C4-5; C3-3; C3-1; A3-1, A3-2, A3-3, chủ sử dụng có hồ sơ xin cấp phép xây dựng (nhà xưởng kết hợp văn phòng) và được Phòng quản lý đô thị huyện Hoài Đức phê duyệt. Qua thanh tra phát hiện có 4 trường hợp sử dụng đất không phù hợp với giấy phép xây dựng, 45/52 trường hợp đã xây dựng công trình sai giấy phép.

Theo PGS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Viêt Nam: Để các CCN ở Hà Nội hoạt động có hiệu quả, đúng quy hoạch và thực hiện pháp luật về môi trường thì các cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội cần phải liên tục kiểm tra để phát hiện vi phạm để xử lý giải quyết. Một mặt thành lập đoàn thanh tra chính thức nhưng mặt khác phải dựa vào tai mắt cộng đồng, đặc biệt là những phát hiện của báo chí để nhanh chóng kiểm tra (đột xuất) để giải quyết. Luật và quy định pháp luật đã có, vấn đề là phát hiện những vi phạm để kịp thời giải quyết.

(Còn nữa...)

Hà Đông

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Tính hiệu quả trong việc thành lập CCN tại Hoài Đức (Bài 5). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới