Chủ nhật, 24/11/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ năm, 25/04/2024 07:31 (GMT+7)

Xây dựng khu, cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Khi nền kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, xu hướng phát triển công nghiệp xanh được chú trọng, tất yếu mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác. Xây dựng các khu, CCN xanh đang được các doanh nghiệp hướng tới.

LỜI TÒA SOẠN

Công nghiệp xanh (green industry) là nền công nghiệp sản xuất và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của công nghiệp xanh là tạo ra các sản phẩm/dịch vụ bằng cách sử dụng các quy trình và công nghệ thân thiện với môi trường, từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất đến giai đoạn sử dụng và tái chế.

Trên thế giới khu công nghiệp truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Tại Việt Nam phát triển khu, cụm công nghiệp xanh là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Vì vậy, xây dựng khu, cụm công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế tất yếu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% và 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường...Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.

Từ thực tiễn trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cùng với sự tham vấn của các chuyên gia là các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, môi trường xây dựng chuyên đề: Thành lập Khu, Cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững.

Loạt bài viết sẽ khái quát toàn bộ hiện trạng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, ghi nhận, phân tích và đánh giá những mặt đạt được, chưa đạt được. Đồng thời, qua góc nhìn của các chuyên gia, sẽ có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý để các cụm, khu công nghiệp xanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.

Thực trạng, giải pháp

Vấn đề cấp thiết đặt ra tại các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đang không ngừng phát triển kinh tế với mục tiêu giảm đói nghèo nhằm đạt được mục tiêu tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, sự xuống cấp về môi trường, biến đổi khí hậu và suy thoái về nguồn lực đang ngày càng gia tăng đòi hỏi các nước này phải đánh giá lại con đường phát triển của mình. Trong đó, tăng trưởng xanh cần phải được coi như một nhánh của phát triển bền vững bởi một quốc gia không chỉ khuyến khích tăng trưởng kinh tế mà còn cần quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội...

Xây dựng khu, cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững (Bài 1) - Ảnh 1
Mô hình phát triển Khu, Cụm công nghiệp xanh. (ảnh minh họa)

Có thể nói, trong quá trình tăng trưởng, các ngành kinh tế, sản xuất và các yếu tố sản xuất trong ngành phải thay đổi. Chính sách công nghiệp xanh là tập hợp của nhiều chính sách cụ thể nhằm vào quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu và các quy trình giúp tăng trưởng bằng việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và giảm tác động tiêu cực bên ngoài đến môi trường.

Tại Việt Nam, Chiến lược Tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về một sự tăng trưởng với nền công nghệ sạch, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Đức, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp, 3 thách thức lớn của chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là nhận thức, năng lực, thể chế. Mặt khác quá trình xanh hóa diễn ra chậm do xuất phát điểm thấp như ô nhiễm công nghiệp vẫn rất nghiêm trọng; sản xuất sạch hơn vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng; quản trị doanh nghiệp yếu kém, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO.

Về năng lực sản phẩm xanh, thực tế Việt Nam còn ít sản phẩm được cấp nhãn xanh so với thị trường Hàn Quốc là gần 9000; thiếu nguồn nhân lực đối với sản phẩm xanh; lực cản thị trường lớn; sản phẩm chưa phù hợp, giá thành cao. Đặc biệt, năng lực công nghiệp môi trường của Việt Nam còn yếu kém, tỷ lệ chất thải sinh hoạt và nước thải đô thị được xử lý thấp.

Cũng theo các chuyên gia, Nam đã bước đầu hình thành khung thể chế hướng tới nền công nghiệp xanh như khung pháp luật, chính sách khuyến khích, hệ thông tiêu chuẩn định mức, cơ quan chịu trách nhiệm, tổ chức liên quan. Đồng thời các chuyên gia cũng chỉ ra thách thức về tài chính cho phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay là hạn chế nguồn ngân sách để thực thi chiến lược phát triển công nghiệp xanh, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn kinh tế, chưa có những thể chế tài chính.

Trước những khó khăn, thách thức trên, nhiều giải pháp được kiến nghị như cần có sự tiếp cận và giải quyết đa ngành trong thể chế và phối hợp chính sách công nghiệp xanh; sự tiếp cận theo vùng, tăng cường liên kết theo vùng; cần đề cập đến vài trò của bên liên quan khác...

Xây dựng khu, cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững (Bài 1) - Ảnh 2
Phát triển khu, cụm công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu.

Tăng trưởng công nghiệp xanh ở Việt Nam là con đường đúng đắn và hợp lý, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần bị cạn kiệt. Do đó, tăng trưởng xanh cần có khung chính sách hợp lý và lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi.

Theo đại diện của Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn quốc tế về Chính sách cơ cấu và công nghiệp xanh cho Việt Nam, để có một nền công nghiệp xanh nước Đức luôn khuyến khích những sáng kiến trong công nghiệp, những mô hình hay được phát huy, nhân rộng... Tuy nhiên, với Việt Nam có những khó khăn riêng, đó là những quan ngại trong vấn đề làm sao để phát triển hài hoà giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế...

Tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xanh

Để trở thành một doanh nghiệp xanh, các công ty cần phải chứng minh và trải qua rất nhiều quy trình, đánh giá. Một số quy trình cơ bản để xác nhận doanh nghiệp xanh phải kể đến như:

Tiêu chí đánh giá

Một doanh nghiệp được đánh giá là “Doanh nghiệp Xanh” cần phải có 3 yếu tố đánh giá sau:

– Doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về các điều lệ bảo vệ môi trường;

– Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tiêu chuẩn môi trường;

– Doanh nghiệp phải tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường cùng nhiều vấn đề liên quan khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, tiêu chuẩn xả thải công nghiệp,… Đây là một trong những tiêu chí được đánh giá cao. Không chỉ vậy, việc này còn giúp các doanh nghiệp có môi trường trong lành, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường sống, thiên nhiên,…

Xu hướng công nghiệp xanh trên thế giới

Đan Mạch – Quốc gia đi đầu trong phát triển xanh. Đan Mạch ra lệnh hạn chế sử dụng các vỏ loại túi và bao bì khác nhau. 20% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch là năng lượng gió. Các nhà sản xuất cối xay gió đạt được thành công đột phá về mặt công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ turbin gió.

Xây dựng khu, cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững (Bài 1) - Ảnh 3
Khu công nghiệp tại Mỹ phát triển năng lượng xanh.

Hàn Quốc: Đẩy mạnh tiêu dùng xanh. Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỷ Won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956.000 việc làm.

Mỹ: Nâng cao kĩ thuật sản xuất xanh. Mỹ lựa chọn việc phát triển năng lượng thay thế làm hướng đi chính cho sự phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt mục tiêu đến năm 2030, 65% năng lượng tiêu thụ và 35% nhiệt lượng là năng lượng từ lắp đặt tấm pin mặt trời.

EU: Nói không với nguyên liệu hóa thạch. EU cũng thông qua chương trình hướng tới nền kinh tế với lượng carbon thấp giai đoạn 2050. Chương trình đặt mục tiêu giảm 40-44% lượng khí thải đến năm 2030 và giảm 79-82% vào năm 2050. Ngoài ra, chương trình còn đề ra phương pháp hoàn thiện các mục tiêu khác như giảm chi phí (175-320 €/ năm).

(Còn nữa...)

Hà Đông

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng khu, cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới