Chủ nhật, 24/11/2024 09:58 (GMT+7)
Thứ hai, 13/07/2020 07:00 (GMT+7)

Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch?

Theo dõi KTMT trên

"Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch?" là câu hỏi vô cùng thú vị. Bởi có những điều tưởng chừng rõ ràng nhưng lại rất ít người đặt ra.

Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch? - Ảnh 1
Kinh thành Huế là tòa thành kỳ vĩ được xây dựng trong gần 30 năm (1805-1832).

Bạn tôi là một chuyên gia vật liệu xây dựng hay đặt ra những câu hỏi cắc cớ, dễ làm đau đầu người khác. Chẳng hạn như hôm nay bạn ấy vừa hỏi: Xây Kinh thành Huế tốn bao nhiêu viên gạch, và gạch ấy từ đâu ra?

Thật là những câu hỏi “hại não” nhưng cũng thật là thú vị, vì có những điều tưởng chừng rõ ràng nhưng mấy ai đặt ra. Thôi thì cũng cố đi tìm câu trả lời cho bạn ấy mà cũng là trả lời cho chính mình. Trong hiểu biết có hạn, nếu có sai sót xin vui lòng bỏ quá cho.

Kinh thành Huế là tòa thành kỳ vĩ được xây dựng trong gần 30 năm (1805-1832) với chu vi vòng thành 10.571m, chiều cao 6,6m gồm 3 cấp tường; chiều dày trung bình 21,5m, hai mặt ngoài xây gạch: mặt ngoài dày 2m, mặt trong dày 1m, lõi tường đắp bằng đất luyện rắn chắc. Gạch để xây bó hai mặt tường Kinh thành Huế chủ yếu là loại gạch đất sét nung có kích thước lớn hơn các loại gạch thẻ dùng trong xây dựng ngày nay, được gọi là “gạch vồ” là loại gạch to, nặng và vô cùng rắn chắc. Với kích thước đó, tôi ước tính khoảng 25 - 30 triệu viên gạch vồ cỡ lớn đã được dùng.

Vậy số gạch ấy từ đâu ra? Dưới đây là lược khảo thông tin mà tôi tìm thấy.

Viên gạch vồ có hình khối chữ nhật, nhiều kích cỡ khác nhau: loại lớn nhất có kích thước 38x16x7cm, loại nhỏ nhất có kích thước 21x9x6cm. Gạch vồ loại lớn dùng để xây tường thành, tường các cung điện và nền móng các công trình. Gạch vồ loại nhỏ thường được gọi là gạch chỉ hay gạch thẻ, thường dùng để xây lan can, mũ tường, nữ tường…

Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch? - Ảnh 2
Cửa vòm xây bằng gạch vồ trên Kinh thành Huế vừa lộ ra trong quá trình di dời giải tỏa trả lại diện mạo cho di tích.

Năm 1805, khi khởi công xây dựng Kinh thành Huế, vua Gia Long ra đạo dụ yêu cầu các địa phương trong nước cống nộp các loại vật liệu xây dựng về Kinh đô Huế để phục vụ cho việc xây đắp thành lũy, cung điện…

Theo sách Ðại Nam thực lục mỗi địa phương đảm trách một loại vật liệu khác nhau: Nghệ An nộp gỗ lim, Gia Ðịnh nộp gỗ ván và gạch xây dựng, Thanh Hóa cung cấp đá lát, Quảng Nam và các tỉnh Bắc Hà nộp gạch ngói, Quảng Ngãi lo việc cung cấp mật bọt để giã với vôi sống làm vữa xây dựng... Riêng về gạch ngói, triều đình bắt buộc các địa phương có truyền thống sản xuất gạch ngói phải nộp thuế bằng sản phẩm theo chế độ biệt nạp.

Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, mỗi thợ làm gạch ngói ở Gia Ðịnh mỗi năm nộp thuế 1.000 viên gạch hoặc 2.000 viên ngói âm dương; dân ở xã Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) mỗi người mỗi năm phải nộp 60 viên gạch vồ và 270 viên gạch vuông. Riêng các loại gạch lát nền và gạch trang trí có tráng men; các loại ngói âm dương, câu đầu, trích thủy có tráng men, do trong nước chưa thể sản xuất được nên phải mua từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, lượng gạch ngói nhập về Kinh đô Huế không đáp ứng nhu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các cung điện, thành quách ở Huế. Vì thế, một mặt triều đình ra sức bắt các địa phương trong cả nước thu nộp gạch ngói về Huế; mặt khác, triều đình xúc tiến thành lập (và tái lập) các lò gạch ngói ở Kinh đô Huế và vùng phụ cận để đáp ứng nhu cầu vật liệu cho việc xây dựng kinh đô. Chủ trương này dẫn đến việc hình thành các trung tâm sản xuất gạch ngói, gốm sứ xây dựng và gốm sứ trang trí ở ngoại ô Kinh thành Huế. Đáng chú ý là hai địa điểm sau:

– Thứ nhất là hệ thống các lò sản xuất gạch ngói ở khu vực Ngõa Tượng – Vân Cù – Nam Thanh, cách Kinh Thành Huế khoảng 3km về phía đông bắc (nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI -XVIII), vùng đất này là nơi tọa lạc của Nê ngõa tượng cục, chuyên sản xuất gạch ngói phục vụ nhu cầu xây dựng thành trì, cung điện trong phủ chúa. Khi vua Gia Long ra đạo dụ khuyến khích việc mở thêm các lò xưởng sản xuất gạch ngói để phục vụ cho công cuộc xây dựng Kinh thành, Hoàng thành và các đàn miếu ở Kinh đô Huế, thì các lò gạch ngói ở khu vực Ngõa Tượng – Vân Cù – Nam Thanh nhanh chóng được khôi phục và mở rộng quy mô sản xuất, hình thành nên một trung tâm sản xuất gạch ngói, với khoảng trên dưới 50 lò chuyên cung cấp các loại gạch vồ, gạch thẻ, ngói liệt, ngói âm dương… cho các công trường xây dựng của triều đình.

– Thứ hai là lò Long Thọ, chuyên sản xuất gạch ngói tráng men và các đồ gốm dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc và trong nội thất các cung điện, lăng tẩm. Long Thọ là tên một ngọn đồi nằm cách Kinh thành Huế khoảng 4 km về phía tây nam, thuộc địa phận làng Nguyệt Biều (nay là xã Thủy Biều, thành phố Huế). Ngọn đồi ấy nằm sát bờ nam sông Hương, trước có tên là Thọ Khương. Triều đình cho lập ở đây một cái kho gọi là Thọ Khương thượng khố. Thời các chúa Nguyễn, trên đồi có nhà, từng rước tử cung (thi hài) của các vị chúa Nguyễn để tạm ở đấy, chờ giờ tốt mới nhập vào sơn lăng. Ðầu niên hiệu Gia Long, đồi được đổi tên thành Thọ Xương, đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), lại đổi tên là Long Thọ Cương, quen gọi tắt là Long Thọ.

Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch? - Ảnh 3
Uớc tính khoảng 25 - 30 triệu viên gạch vồ cỡ lớn đã được dùng để xây dựng Kinh thành Huế.

Sách Ðại Nam thực lục cho biết: Vào tháng 11 năm Gia Long thứ 9 (1810) vua Gia Long ra đạo dụ thành lập ở Long Thọ một xưởng sản xuất gạch ngói và đồ gốm tráng men. Ðạo dụ này cho phép một người Hoa tên là Hà Ðạt, là bang trưởng Quảng Đông, thuê ba người thợ làm gạch ngói giỏi ở Quảng Ðông (Trung Quốc) đến Long Thọ giúp triều đình sản xuất các loại gạch ngói tráng men nhiều màu sắc để phục vụ cho các công trình xây dựng cung điện, đàn miếu của triều đình. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các người thợ Trung Quốc, các thợ gốm Việt Nam trong công xưởng Long Thọ đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật làm gốm tráng men và đảm nhận từ việc xây lò, khai thác nguyên liệu, pha chế men… đến tạo hình và nung chín sản phẩm. Những người thợ Trung Quốc hoàn thành công việc, họ trở về nước với nhiều ân thưởng của triều đình.

Việc sản xuất gạch ngói và đồ gốm tráng men ở lò Long Thọ được duy trì liên tục từ năm 1810 đến năm 1885, chuyên sản xuất các loại gạch ngói tráng men; các loại gạch thống phong tráng men dùng để trang trí trên các cổng cửa, bình phong, trụ biểu, nữ tường… trong Hoàng Thành và lăng tẩm các vua; phù điêu và tượng các linh thú trang trí trên các cung điện, miếu vũ… như long, lân, quy, phụng, voi, sư tử…

Đến đây, câu chuyện gạch dùng để xây Kinh thành Huế lấy từ đâu ra dường như đã rõ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Nguyễn Đính

Bạn đang đọc bài viết Xây Kinh thành Huế cần bao nhiêu viên gạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới