Chủ nhật, 24/11/2024 12:25 (GMT+7)
Thứ ba, 15/09/2020 11:52 (GMT+7)

Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland

Theo dõi KTMT trên

Là nguồn nhiên liệu phong phú với giá thành rẻ, than đá được sử dụng rất phổ biến trong các hộ gia đình để nấu nướng và sưởi ấm từ nhiều thế kỷ trước. Đốt than trong nhà là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà, dẫn đến hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Nhận thấy mức độ nguy hại của khói than từ các hộ gia đình, một số quốc gia phát triển như Anh và Ireland đã thực thi nhiều chính sách để thay đổi thói quen sử dụng than của người dân.

Ô nhiễm không khí trong nhà từ khói than

Than đá không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, mà còn là chất đốt vừa túi tiền trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Đốt than trong nhà bằng các thiết bị đơn giản như bếp lò, bếp than khiến than khó cháy hoàn toàn, tạo ra nhiều chất độc hại trong quá trình đốt.

Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland - Ảnh 1

Đốt than trong nhà rất nguy hại bởi khi than không được đốt cháy hoàn toàn sẽ sản sinh ra nhiều chất độc như lưu huỳnh dioxide và các hạt bụi mịn (Ảnh: Business Post)

Theo các nghiên cứu khoa học, đốt than trong nhà tạo ra khí thải dạng hạt và khói có chứa các hóa chất độc hại như benzen, carbon monoxide (CO), hợp chất hữu cơ formaldehyde và hydrocarbon thơm đa vòng. Nhiều loại than có chứa các chất gây ô nhiễm nội tại từ các mỏ khoáng sản như lưu huỳnh, chì, thủy ngân, asen, silica, flo. Trong quá trình đốt cháy, các chất độc hại này bị thải ra ngoài không khí ở dạng ban đầu hoặc bị oxy hóa. Ngoài ra, các hạt phát ra từ đốt than có kích thước nhỏ và siêu mịn, được đánh giá là nguy hại hơn cả khói bụi ngoài đường phố.

Đốt than để nấu ăn và sưởi ấm trong các hộ gia đình là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà, gây ra nhiều loại bệnh nghiêm trọng dẫn đến giảm tuổi thọ và chết sớm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đốt than trong nhà là một trong 3 nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi, bên cạnh hút thuốc lá và uống rượu bia.

Nghiên cứu năm 2012 của WHO ước tính khoảng 4 triệu người chết sớm mỗi năm do khói độc từ các bếp lò. Phụ nữ và trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ thường sinh hoạt trong nhà và trực tiếp đun nấu. Cư dân ở các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm trong nhà do đốt than. Các quốc gia phụ thuộc vào than ở châu Á như Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Lào mỗi năm đều có hơn 500.000 ca tử vong do ô nhiễm trong nhà. Ngay ở các nước phát triển như Mỹ, Canada và châu Âu, sử dụng than và gỗ làm chất đốt trong hộ gia đình cũng rất phổ biến.

Nghiên cứu năm 2015 của WHO chỉ ra rằng đốt than và gỗ là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mỗi năm có khoảng 61.000 ca tử vong ở châu Âu và 10.000 ca tử vong ở Bắc Mỹ do ô nhiễm không khí từ đốt than và gỗ trong nhà.

Bài học từ nước Anh

Sự kiện Đám sương khói khổng lồ (The Great Smog) bao phủ thủ đô London nước Anh cách đây gần bảy thập niên là một thảm họa có nguồn gốc từ đốt than trong nhà. Đợt rét khắc nghiệt vào mùa đông năm 1952 khiến các hộ dân trong thành phố tăng cường đốt than để sưởi ấm. Khói than chứa các hạt lưu huỳnh trộn với các chất độc hại đã tạo nên một màn sương mù dày đặc màu vàng có mùi trứng thối, bao phủ thành phố trong vòng 5 ngày, chặn hết ánh sáng mặt trời, phủ đen các tòa nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Great Smog đã giết chết hơn 12.000 người, khiến 150.000 người nhập viện và cướp đi sinh mạng của hàng loạt động vật. Sau sự kiện này, Vương quốc Anh bắt đầu quản lý các hoạt động đốt than tại khu vực thành thị, với sự ra đời của Đạo luật không khí Sạch năm 1956 (The Clean Air Act 1956). Đạo luật được xem là một cột mốc quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của nước Anh nói riêng và thế giới nói chung.

Đạo luật bao gồm quyền thiết lập các khu vực không khói và trợ cấp để các hộ gia đình chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch hơn như ga và điện. Tuy nhiên, phải mất khoảng 3 thập niên sau, chương trình kiểm soát khói than mới thực sự hoàn thiện khi một Đạo luật không khí sạch khác ra đời năm 1968. Từ những năm 1980, bầu trời nước Anh đã trong xanh trở lại, chất lượng không khí được cải thiện, sức khỏe người dân được nâng lên.

Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland - Ảnh 2
Với mục tiêu đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2025, chính phủ Anh ngừng cấp giấy phép mới cho các hoạt động khai thác than. (Ảnh Science Photo).

Đạo luật không khí Sạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí do khói than từ nhà máy và cả khu dân cư. Tuy nhiên, ô nhiễm khói than là một vấn đề khó giải quyết triệt để. Ngày nay, ô nhiễm khói than vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khoảng 36.000 cái chết sớm mỗi năm tại Anh. Nước công nghiệp đầu tiên trên thế giới này đang xây dựng Đạo luật không khí sạch mới phù hợp với thế kỷ 21.

Năm 2019, chính phủ Anh công bố Chiến lược không khí sạch với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo tăng trưởng sạch, giảm phát thải từ giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và khu dân cư.

Theo đó, kể từ tháng 2/2021, chính phủ sẽ cấm bán các loại than đóng gói sẵn dùng cho hộ gia đình để giảm ô nhiễm bụi mịn. Hiện tại, đốt nhiên liệu rắn (các loại than và gỗ) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi mịn ở Anh (gây ra khoảng 39% tổng số bụi mịn). Chính phủ Anh kỳ vọng rằng lệnh cấm sẽ khuyến khích các hộ gia đình đang sử dụng bếp lò và bếp sưởi bằng than chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu không khói, thân thiện hơn với môi trường.

Không chỉ loại bỏ than ở khu dân cư, nước Anh đã lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy điện than vào năm 2025. Chính phủ đã ngừng phê duyệt các dự án mới về khai thác than. Quyết tâm loại bỏ than đá để cải thiện sức khỏe và chất lượng không khí của chính phủ Anh có thể thấy rõ ở sản lượng than giảm mạnh qua các giai đoạn. Khai thác than từng là ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế Anh trong 2 thế kỷ trước, sản lượng năm 1913 đạt 287 triệu tấn.

Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland - Ảnh 3Bài toán 'sống còn' của công nghệ điện than sạch

Đến năm 2009, khi Anh giảm dần sự lệ thuộc vào than thì sản lượng khai thác chỉ còn 17,8 triệu tấn. Sản lượng tiếp tục giảm mạnh khi chính phủ quyết tâm thay thế than bằng các nguồn năng lượng tái tạo, chỉ còn 4 triệu tấn năm 2016. Song song với việc giảm sản lượng than, chính phủ Anh cũng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng.

Năm 2015, lần đầu tiên năng lượng tái tạo vượt than đá trong cơ cấu hỗn hợp năng lượng của Anh. Giá năng lượng tái tạo cũng giảm mạnh, đặc biệt là giá điện gió trên cạn, khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển đổi từ than sang sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, chính phủ Anh còn cam kết đào tạo, tìm việc mới trong ngành năng lượng tái tạo hoặc các ngành khác cho người lao động làm việc trong các mỏ than.

Kinh nghiệm xử lý của Ireland

Cư dân Ireland có truyền thống lâu đời sử dụng than làm chất đốt, đặc biệt là sưởi ấm vào mùa đông. Vào những năm 1980, chất lượng không khí ở Ireland rất kém với mức độ ô nhiễm bụi mịn cao do sự gia tăng của việc đốt than bitum để sưởi ấm tại các hộ gia đình. Nhận thấy việc sử dụng than làm chất đốt tại các hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chính phủ Ireland bắt đầu kiểm soát đốt than từ năm 1990 bằng lệnh cấm sử dụng các loại than có khói tại thủ đô Dublin.

Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland - Ảnh 4
Than là nguồn nhiên liệu giá rẻ nên được sử dụng rộng rãi trong hộ gia đình để đun nấu và sưởi ấm (Ảnh The Journal)

Sau Dublin, lệnh cấm đốt, tiếp thị, buôn bán và phân phối than có khói tiếp tục được áp dụng tại nhiều thành phố lớn khác như Cork, Arklow, Drogheda, Dundalk. Đến năm 2013, các khu vực thành thị có dân số trên 15.000 người đều đã áp dụng lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ than có khói. Lệnh cấm đã giúp Ireland hình thành lên các khu đô thị không khói, cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của người dân. Hiện tại, Ireland đang cân nhắc việc thành lập các khu vực ít khói (Low Smoke Zone) trên toàn quốc. Lệnh cấm đốt than có thể sẽ được áp dụng tại các khu vực có trên 10.000 dân và tiến tới là trên 5.000 cư dân.

Để lệnh cấm được thực thi một cách triệt để, chính phủ Ireland đưa ra cơ chế xử phạt nặng đối với những người vi phạm. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tại chỗ 1.000 euro (tương đương khoảng 27 triệu đồng) hoặc bị phạt tiền lên tới 500.000 euro (tương đương 13,7 tỉ đồng) nếu bị đưa ra tòa kết án. Chính phủ cũng đầu tư sản xuất các thiết bị thay thế lò đốt than để khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Đối với các khu vực dân cư có thu nhập thấp, các hộ nghèo chỉ đủ khả năng tài chính sử dụng than và các chất đốt giá thành rẻ, chính phủ triển khai chương trình “Những ngôi nhà ấm hơn” để hỗ trợ chuyển đổi. Chương trình cung cấp tài chính cho các gia đình làm cách nhiệt gác mái, cách nhiệt tường, cung cấp vỏ bọc cách nhiệt bình nước nóng để giảm tiêu thụ điện năng, cung cấp bóng đèn tiêu thụ ít điện năng và tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Xử lý ô nhiễm khói than trong nhà: Bài học từ Anh và Ireland. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới