Chủ nhật, 24/11/2024 08:49 (GMT+7)
Thứ hai, 17/05/2021 18:00 (GMT+7)

1.300 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường trong 5 năm qua

Theo dõi KTMT trên

5 năm trở lại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra hơn 3.000 cơ sở, khu công nghiệp trên cả nước, qua đó đã phát hiện hơn 1.300 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 275 tỉ đồng.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và bảo đảm an toàn thực phẩm; góp phần vào mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế - xã hội, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục có chiều hướng gia tăng; trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất nước, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm không được bảo đảm, gây bức xúc trong xã hội.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề rác thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước mặt tại các khu đô thị, sông, hồ, kênh rạch, mới đây, cử tri đã đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường hiện nay.

Thanh tra đột xuất, xử phạt nặng

Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương rà soát đối tượng thanh tra, lập, phê duyệt, thực hiện kế hoạch thanh-kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước; định hướng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường cho các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với lực lượng Công an nhân dân phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin kịp thời các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.

1.300 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường trong 5 năm qua - Ảnh 1
Xử phạt nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường. Chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức làm công tác thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua cũng đã bổ sung nhiều quy định về thanh tra, kiểm tra và một số quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Luật đã quy định bổ sung trách nhiệm thanh tra đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, trách nhiệm kiểm tra của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã nhằm tăng cường lực lượng trong công tác thanh-kiểm tra; quy định “thanh tra đột xuất không được công bố trước” trong trường hợp cần thiết để khắc phục hạn chế trong pháp luật về thanh tra và kịp thời phát hiện vi phạm đối với các đoàn thanh tra khi doanh nghiệp có xu hướng đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã quy định mức xử phạt tối đa 1 tỉ đồng đối với cá nhân và là 2 tỉ đồng đối với tổ chức vi phạm về bảo vệ môi trường. Như vậy, mức xử phạt hiện nay là phù hợp và bảo đảm tính răn đe.

Luật về bảo vệ môi trường là căn cứ pháp lý đặc biệt để đưa công tác bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp, giảm thiểu tối đa các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết 1.300 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường trong 5 năm qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới