40% loài thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Trung bình 2 trong số 5 loài thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng do hậu quả thế giới tự nhiên bị tàn phá.
Các loài thực vật và nấm là trụ cột cho sự sống trên trái đất nhưng giới khoa học cho biết họ đang chạy đua với thời gian để tìm và xác nhận các giống loài trước khi chúng tuyệt chủng, theo The Guardian ngày 30/9.
Có nhiều loài chưa được biết chính là những kho báu ẩn chứa thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu sinh học có thể giúp nhân loại vượt qua các thách thức lớn, thậm chí cả điều trị Covid-19 và các đại dịch khác.
Hơn 4.000 loài thực vật và nấm được phát hiện trong năm 2019, trong đó có 6 loài tại châu Âu và Trung Quốc chung nhóm với hành, tỏi, 10 loài ở California (Mỹ) có họ hàng với rau chân vịt, và 2 loài hoang dã có họ hàng với khoa mì, có thể giúp cung cấp lương thực.
Các loài thực vật có dược tính cũng được tìm thấy ở Texas (Mỹ) có thể chữa viêm và loài thực vật ở Tây Tạng có thể chữa sốt rét.
“Chúng ta không thể sống sót nếu không có thực vật và nấm, mọi sự sống đều dựa vào chúng, và thực sự đã đến lúc mở hòm kho báu”, theo giáo sư Alexandre Antonelli, giám đốc khoa học tại tổ chức Royal Botanical Gardens, Kew (Anh) dẫn đầu nhóm nghiên cứu gồm 210 nhà khoa học tại 42 quốc gia.
“Mỗi lần chúng ta mất đi một loài, chúng ta lại mất đi một cơ hội cho nhân loại. Chúng ta đang thua cuộc đua với thời gian vì có lẽ chúng ta đang mất đi nhiều giống loài nhanh hơn tốc độ phát hiện và đặt tên”, ông cảnh báo.
Báo cáo Triển vọng Đa dạng Sinh học toàn cầu lần thứ 5 của Liên Hợp Quốc mới được công bố ngày 15/9 kết luận: thế giới đã không đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên đặt ra cách đây 10 năm.
“Đèn cảnh báo đang lóe sáng. Chúng ta phải nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng khẩn cấp toàn hành tinh”, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Andy Purvis tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Anh) tuyên bố.
Báo cáo kết luận, vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát đa dạng sinh học, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng và đáng kể trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và nhiều hoạt động khác.
“Nó cho chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm nhưng không phải là làm nhiều hơn những gì đã làm mà phải làm tốt hơn những bước chuyển đổi đầy khó khăn”, Lina Barrera, người đứng đầu ban chính sách quốc tế tại Tổ chức Bảo tồn Quốc tế nói. Một trong những chuyển đổi như vậy là đưa những giá trị đa dạng sinh học vào trong các quyết định kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc trợ cấp nông trại.
Năm 2010, 196 quốc gia thuộc Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) của Liên Hợp Quốc đã đồng ý với 20 mục tiêu bảo tồn động thực vật gọi là Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi. Cứ vài năm một lần, CBD lại đánh giá tiến độ thực hiện từ các báo cáo quốc gia và những nguồn khác. Báo cáo Triển vọng lần này cũng phản ánh các xu hướng được tiết lộ trong “Báo cáo Đánh giá Toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái” của IPBES do hàng trăm nhà khoa học thực hiện công bố năm ngoái.
Bản đánh giá mới này chỉ ra một số điểm sáng, chẳng hạn ngành thủy sản đang trở nên bền vững hơn tại các quốc gia có chương trình quản lý tốt và các loài xâm lấn đang bị tận diệt trên nhiều hòn đảo. Có lẽ, điều đáng khích lệ nhất là quy mô các khu bảo tồn đã tăng đáng kể lên mức 15% diện tích đất liền và 7% diện tích đại dương. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn thấp so với mục tiêu lần lượt là 17% và 10%, và cho đến nay mới chỉ có 2,5% đại dương được bảo vệ ở mức độ cao.
Các nhà nghiên cứu đánh giá dựa trên tỷ lệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng theo Sách Đỏ IUCN. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số 350.000 loài thực vật đã biết được đánh giá, vì thế giới khoa học sử dụng kỹ thuật thống kê để điều chỉnh những thiên lệch trong kho dữ liệu, chẳng hạn như thực trạng thiếu đi thực địa ở một số khu vực, đồng thời sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá nhưng khu vực chưa được biết tới nhiều.
“Chúng ta có cách tiếp cận AI chính xác tới 90%”, nhà nghiên cứu Eimear Nic Lughadha thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew chia sẻ. “AI đủ tốt để khẳng định rằng có nhiều loài chưa được đánh giá nhưng thật ra đã bị đe dọa”.
Nhật Hạ