Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ ba, 18/04/2023 08:07 (GMT+7)

Bắc Ninh: Xử lý ra sao vụ tự ý khai thác hàng nghìn m3 đất ở xã Hoàn Sơn - Tiên Du

Theo dõi KTMT trên

Một cá nhân được phát hiện khai thác hàng nghìn m3 đất tại xã Hoàn Sơn huyện Tiên Du.

Khoảng 8h ngày 28/3/2023 lãnh đạo Công ty SaigonTel chi nhánh Bắc Ninh nhận được tin báo có người đang dùng máy múc, múc đất sét cạnh đường tỉnh lộ 287, dưới đường điện 500KV, thuộc KCN Đại Đồng Hoàn Sơn.

Lãnh đạo SaigonTel đã báo cáo và phối hợp lực lượng chức năng và cùng đến hiện trường yêu cầu các đối tượng đang có hành vi khai thác đất dừng hoạt động.

Bắc Ninh: Xử lý ra sao vụ tự ý khai thác hàng nghìn m3 đất ở xã Hoàn Sơn - Tiên Du - Ảnh 1
Hơn 2600m3 đất bị các đối tượng khai thác trong vụ việc.

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc có người dân tự ý khai thác đất, lãnh đạo UBND xã cùng lực lượng công an xã Hoàn Sơn đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng lực lượng của SaigonTel bảo vệ hiện trường và tiến hành lập biên bản vụ việc.

Bắc Ninh: Xử lý ra sao vụ tự ý khai thác hàng nghìn m3 đất ở xã Hoàn Sơn - Tiên Du - Ảnh 2
Biên bản vụ việc được chính quyền địa phương lập biên bản.

Theo biên bản lập tại hiện trường vụ khai thác đất, cơ quan chức năng xác định nhóm đối tượng đã dùng máy móc khai thác và vận chuyển trên phần diện tích đất dài 35m, rộng 25m và sâu 3m, (tương đương với 2.625m3 đất) cùng 03 xe ô tô.

Cơ quan chức năng đã đình chỉ việc khai thác và yêu cầu người vi phạm hoàn trả lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm, xong trước ngày 3/4/2023.

Theo một vị lãnh đạo của Công ty SaigonTel, thửa đất này thuộc quyền sử dụng của Công ty Hải Quân. Vì chưa được đền bù theo quy định nên Công ty Hải Quân vẫn được quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Nhưng sẽ không được khai thác tài nguyên khoáng sản cũng như xây dựng các công trình trên thửa đất này vì đã được quy hoạch và nằm trong phạm vi an toàn lưới điện Quốc gia. Đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để bàn giao lại cho Công ty SaigonTel quản lý.

Bắc Ninh: Xử lý ra sao vụ tự ý khai thác hàng nghìn m3 đất ở xã Hoàn Sơn - Tiên Du - Ảnh 3
Khối lượng đất khai thác trái phép được vận chuyển về 1 nhà máy gạch gần đó.

Theo ghi nhận của PV quá trình khai thác tài nguyên được thực hiện bởi hai máy xúc và một đoàn xe vận chuyển. Đất được đưa lên các xe vận chuyển về khu vực tập kết nguyên liệu của Công ty CP sản xuất và Đầu tư Hùng Cường – Thăng Long qua lối cổng sau.

Ngoài việc vi phạm tại Điều 4 và Điều 13, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP đã nêu rõ về khoảng cách an toàn và những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc đào đất trong hành lang lưới điện và trạm điện, 

Theo một số chuyên gia pháp lý khi được Phóng viên tham vấn ý kiến về việc xử lý vụ việc bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai cho rằng, cơ quan chức năng  sẽ lập biên bản ghi nhận hiện trạng, sau đó phải có quyết định xử lý vụ việc. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý theo quy định.

“Trong vụ việc bắt quả tang hành vi khai thác đất trái phép này, cơ quan chức năng sẽ phải lập biên bản vụ việc, lập biên bản tạm giữ phương tiện tham gia hoạt động khai thác trái phép, đo đạc hiện trường để tính khối lượng khoáng sản đã bị đào xới và xác định nguồn đất đã bị vận chuyển tiêu thụ ở đâu…Nói chung cơ quan chức năng sẽ cần làm nhiều việc để xác định lỗi vi phạm, nếu vượt quá thẩm quyền, UBND xã phải chuyển hồ sơ lên UBND huyện để xử lý theo quy định. Nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng, UBND huyện có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ thêm…”, vị chuyên gia chia sẻ thêm.

Hiện vụ việc khai thác đất này đang được cơ quan chức năng huyện Tiên Du và cuộc xác minh làm rõ.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đất, cát  đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Còn Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty luật Trường Sa cho biết, cán bộ địa phương là người nắm địa bàn và biết rõ khu vực nào được cấp phép khai thác khoáng sản, khu vực nào không. Vì thế nếu ở địa phương nào có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì người đứng đầu địa phương, cán bộ công chức được phân công theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên.

Tại Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP về đối tượng bị xử phạt hành chính, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Và nếu xác định cán bộ công chức, cơ quan quản lý có dấu hiệu “làm ngơ” trước hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Với tội danh này thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Xử lý ra sao vụ tự ý khai thác hàng nghìn m3 đất ở xã Hoàn Sơn - Tiên Du. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới