Chủ nhật, 24/11/2024 06:07 (GMT+7)
Thứ năm, 10/06/2021 11:16 (GMT+7)

Bài toán tái chế rác thải nhựa trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Rác thải nhựa và hạt vi nhựa là một trong những thách thức lớn cho môi trường bởi những ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe con người cũng như môi trường.

Công nghệ sản xuất nhựa ngày càng phát triển. Do vậy, chất thải nhựa liên tục thay đổi về thành phần, tính chất, mẫu mã đa dạng và phức tạp. Mặt khác, hoạt động tái chế chất thải ở nước ta còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương.

Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán. Nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế.

Theo đó, tại hội thảo trực tuyến Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam ngày 9/6, nhiều chuyên gia đưa ra một số đề xuất như: Phát triển kinh tế tuần hoàn tái chế rác thải nhựa; quản lý ô nhiễm hạt vi nhựa nhằm góp phần giải quyết, ứng phó với tình trạng rác nhựa hiện nay cũng như trong tương lai.

Bài toán tái chế rác thải nhựa trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam đang đối diện với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác khi lượng rác thải nhựa tăng 200% trong những năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam Đỗ Văn Mạnh đã chỉ ra mối nguy hại của hạt vi nhựa đến môi sinh và giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa hiệu quả. 

Theo số liệu thống kê, 8.300 triệu tấn vi nhựa đã được sản sinh cho đến nay trong đó chỉ có 9% được tái sử dụng, 12% được đốt, 79% được tập kết trong bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên.

Hiện tại, vi nhựa đã xuất hiện ở mọi lục địa và đại dương. Vi nhựa có ảnh hưởng đến cấp độ tế bào sâu trong cơ thể, ảnh hưởng đến số lượng cá thể, cấu trúc quần thể và chức năng của hệ sinh thái. Sinh vật thường xuyên ăn phải nhựa sẽ gặp phải một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, lâu dần sẽ bị suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong. Đáng lưu ý, nhiều loại sinh vật biển là nguồn thức ăn yêu thích của con người, điều này vô hình chung khiến con người thụ động tiêu thụ nhựa.

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh cho biết: “Vi nhựa được tìm thấy ở khắp nơi trên hành tinh, từ các vùng cực của trái đất, trên bề mặt đất cho đến nhiều con sông, đại dương, từ các sinh vật phù du đến các loài sinh vật biển khổng lồ và ngay cả trong nước uống sinh hoạt hàng ngày của con người. Thậm chí, chúng còn được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, bia và các loại hải sản - được coi là mắt xích cuối cùng trong chuỗi thức ăn. Vi nhựa có thể tích lũy vào cơ thể người qua thực phẩm và nước uống. Theo ước tính, một người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một lượng tương tự.

Một nghiên cứu gần đây của OrbMedia đã phân tích 159 mẫu nước, lấy từ cả nước máy và nước đóng chai ở 14 quốc gia và phát hiện ra rằng hơn 80% tổng số mẫu chứa các hạt nhựa nhỏ với trung bình 4,34 hạt nhựa trên một lít nước. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, 94% mẫu nước từ Hoa Kỳ chứa vi nhựa, đứng đầu danh sách. Bên cạnh đó, phụ gia hóa học trong nhựa có thể gây ra ảnh hưởng độc hại đối với sức khỏe con người”.

Trước thực trạng rác nhựa và hạt vi nhựa nêu trên, ông Trần Việt Anh, Trưởng ban Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP.HCM (VSPA) cho biết, là một nước có nền kinh tế đang phát triển, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với nhiều yêu cầu cao đã đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam như: Khung chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được xây dựng đầy đủ; Sự tiếp cận, nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn; Nguồn nhân lực có thể sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại còn thiếu, yếu kém; Thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng trong khi Việt Nam đã có thói quen sản xuất và tiêu dùng nhiều sản phẩm như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bài toán tái chế rác thải nhựa trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 2
Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa trong nhân dân và doanh nghiệp.

Đối với thách thức trên, ông Trần Việt Anh đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn: Cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với các nhóm nước tiên tiến trong khu vực.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Ngoài ra, ông Trần Việt Anh cũng nêu thêm một số giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ cao vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên, nguyên liệu thân thiện với môi trường, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Điều chỉnh quy hoạch năng lượng tăng dần các dự án từ nguồn năng lượng tái tạo; Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải. Đổi mới công nghệ, mở rộng khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người dân về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời.

Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường. Chúng được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm.

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN 2017), ước tính lượng phát thải vi nhựa hàng năm có nguồn gốc từ hóa dầu vào môi trường tương đương khoảng 11,7 triệu tấn. Trong đó, 3,2 triệu tấn nhựa từ các nguồn khác nhau đã ở dạng vi nhựa trước khi phát tán ra môi trường (được gọi là “vi nhựa sơ cấp”), cùng với 8 triệu tấn khác được tạo ra do sự phân rã của các mảnh nhựa lớn khác tồn tại trong môi trường.

Phương Anh

Bạn đang đọc bài viết Bài toán tái chế rác thải nhựa trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới