Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/06/2021 17:00 (GMT+7)

Băng rừng tìm… 'lâm tặc'

Theo dõi KTMT trên

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng thuộc tuýp đi nhiều, viết nhiều. Những tác phẩm phóng sự, bút ký của anh luôn ngồn ngồn chất liệu cuộc sống và có nét rất riêng. Sống hết mình với nghề, không ít lần lên rừng xuống biển anh phải đối mặt với hiểm nguy.

Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những chuyến đi… thót tim của anh.

Điếu thuốc thơm… gỡ bí

Chuyến đi rừng đầu tiên của nghề  báo của tôi là viết về tình trạng khai thác rừng gỗ lớn tại miền tây huyện Quảng Ninh (vùng giáp ranh với huyện Lệ Thủy - Quảng Bình). Trời sẩm tối thì ghé được nhà ông Hồ Ba, trưởng bản Đá Trơn và sang nhà già bản trình báo. Đêm đầu tiên ngủ trên nhà sàn với bà con dân tộc Vân Kiều khó trọn được giấc. Mùi phân trâu, lợn từ dưới sàn nhà bốc lên cùng với tiếng mọt nghiến gỗ ở bức vách trên đầu làm tôi quăng quật hết bên này sang bên nọ. Ông Hồ Chút - già bản, người gầy quắt như cây gỗ táu thấy vậy kêu tôi dậy, khều bếp lửa bùng lên rồi rỉ rả: “Ở đây bọn nó (ý nói “lâm tặc”) khai thác lâu rồi mà không ai làm gì được cả. Mai, miềng cho thằng Cu (con trai của già bản chừng 14 - 15 tuổi) đưa đường thì mới lên được chỗ đó. Không khéo là bị lạc vào rừng thẳm. Mấy bữa trước, có người đi săn còn thấy dấu chân hổ về bên khe Nước Lạnh”- già bàn Hồ Chút dặn dò.

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng trong chuyến xuyên rừng tìm “lâm tặc” ở rừng già miền tây Quảng Bình.

Tảng sáng, ăn vội mấy củ sắn luộc, tôi nhét thêm mấy củ vào túi rồi đi theo Hồ Cu dẫn đường. Mấy hôm trước có mưa nên con đường rừng trở nên nhão nhoét. Đi khoảng tiếng đồng hồ, bắt gặp một con dốc như dựng đứng, Hồ Cu vung dao chặt mấy cây gai mây chặn lối rồi bảo: “Ta đi xiên về suối mới được. Nhưng phải qua vạt rừng mây khó đi”. Khi chui vào đám mây rừng rồi thì chẳng có thể xác định được hướng. Đám vắt rừng nghe được hơi người vươn lên bắn theo ràn rạt. Hồ Cu ngoái đầu nhắc: “Đi nhanh nhé”, rồi chạy gằn cho nhanh không thì vắt xanh nó cắn. “Vắt đó cắn rồi, máu chảy cả ngày, khó cầm được lắm”- Hồ Cu nói.

Gần trưa, đang đi, chợt Hồ Cu đứng lại nghiêng tai nghe rồi chỉ tay chéo về bên trái: “Chú đi vô đó nghe. Nói cho khéo chứ khó đó. Tui chỉ đứng ở đây thôi. Vô đó, họ chộ thì sợ bị trả thù”.

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 2
Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng bên gốc cây lớn bị cưa hạ vùng rừng T.H (Quảng Bình).

Tôi phải xé rừng một mình. Hơn giờ đồng hồ sau, thì đến được nơi cần đến. Nhóm “lâm tặc” dựng lán trại bên bờ suối. Dưới lòng suối là thườn thưỡn những phách gỗ lớn đã được cắt thành những đoạn lớn. Có hai cây gỗ bị hạ được cắt thành nhiều khúc lớn và đang bị “lâm tặc” dùng cưa xẻ thành phiến lớn. Thấy tôi xuất hiện như từ ngọn cây rớt xuống, nhóm “lâm tặc” có 5 người đều dừng tay rồi trèo lên lán nhìn qua đầy nghi hoặc. “Đi đâu, làm gì”- một lâm tặc quát. Tôi bình tĩnh: “Mình làm bên thiết kế cho tuyến đường Hồ Chí Minh. Đi từ sáng lạc vô đây”, Vừa nói, tôi tôi vừa lội qua suối, đến trước lán và móc túi ra mời mỗi “lâm tặc” một điếu thuốc lá hiệu CAPSTAN thơm lừng. Ở trong rừng thâm, như vậy được coi như thành… bạn bè. Một thanh niên trạc tuổi tôi rót cho tôi bát nước nấu bằng lá rừng uống rất thơm. Tôi gạ thanh niên trẻ này chụp cho tấm hình làm kỷ niệm. Tôi chụp cho họ xong, lại hướng dẫn họ chụp cho tôi đứng bên một khúc cây lớn có cái cưa đại đang xẻ vào thân cây.

Khi lấy đủ tư liệu, tôi xin thêm bát nước uống rồi theo hướng nhóm “lâm tặc” chỉ cho mà quay ra.

Về đến bản cũng sẩm tối. Dân bản đánh bẫy được con mang rừng nên làm tiết canh. Là khách, tôi được ưu tiên một bát tiết canh đựng trong cái bát tô bị mẻ một miếng ở miệng. Nhìn thấy là cũng ơn ớn trong người. Già bản đưa cho tôi nắm ớt chỉ thiên đỏ ối và bát rượu. Tôi nhai luôn mấy quả ớt cay xé lưỡi và làm hơi cạn bát rượu rồi mới đủ can đảm ăn tiết canh mang rừng. Không biết vì do ớt cay, do rượu nồng mà tôi nghe bát tiết canh ngọt lừ. Vị ngọt cho đến giờ nhớ lại như còn đọng đầu lưỡi.

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 3

Một chuyến đi rừng đến vùng khai thác trái phép tại biên giới Việt - Lào.

Sau này, tôi mới được biết, nhóm “lâm tặc” đã phát hiện ra tôi là nhà báo ngay tức tốc cử người đuổi theo để cướp máy ảnh. Khi đi từ bản ra khỏi rừng, tôi được bác Ba chỉ cho con đường khác nên nhóm “lâm tặc” không bắt gặp.

“Thoát hiểm” nhờ những… tấm ảnh

Tôi lại có chuyến đi rừng đầy rắc rối. Lần đó, rừng cổ thụ ở miền tây huyện T.H bị khai thác vô tội vạ. Tôi ngược bản Cà Xeng, nhờ ông Cao D. ở bản dẫn đi. Từ sáng đến trưa, có khi vượt cả con dốc dựng đứng đi ngót cả giờ đồng hồ thì đến được điểm khai thác. Quên hết nhọc nhằn, tôi mải miết tìm lối, tìm những góc cây lớn đến hai người ôm mà “lâm tặc” đốn hạ. Con đường “lâm tặc” xẻ ra kéo gỗ thành rãnh sâu hút. Từng khoảng rừng bị cây gỗ lớn ngã đè lên ngổn ngang. Hàng chục cây bị cắt hạ như vậy. Phần gỗ bì còn lại nằm thánh đống. Giữa rừng, hai, ba lán của “lâm tặc” dựng lên để trú còn nguyên. Chứng tỏ bọn họ ở đây trong thời gian khá dài. Bài viết được đăng tải làm dấy lên dư luận nóng.

Thời gian ngắn sau, khi đang học lớp Báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì tôi được gọi về để giải trình bài viết vụ phá rừng T.H. Về đến cơ quan, ông Tổng Biên tập đưa cho cái công văn đóng dấu son đỏ chót của UBND huyện T.H do Chủ tịch huyện ký gửi Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh… đề nghị xen xét kỷ luật tác giả vì dựng đứng câu chuyện phá rừng. Trong công văn, huyện T.H cho rằng đó chỉ là vài cây gỗ do bà con đồng bào dân tộc dùng rìu, rựa chặt để làm nhà chứ không có chuyện “lâm tặc” đóng lán khai thác như công trường…

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 4

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng tại điểm khai thác gỗ trái phép lớn tại vùng rừng Quảng Trị.

Hỏi ra mới biết, để che lấp vụ phá rừng, huyện T.H nhờ một nhóm phóng viên lên vùng rừng gần đó chụp ảnh mấy cây gỗ do bà con trong bản chặt làm nhà. Ngay bản thân ông Cao D. cũng bị khống chế để nói: “Tui không đưa nhà báo mô vô rừng cả”. Công văn của huyện cũng kèm theo bài viết phản bác lại bài viết của tôi trên một tờ báo Trung ương, có phóng viên thường trú đã đi vào rừng.

Theo tinh thần của công văn thì tôi sai hoàn toàn và có nghĩa là bị kỷ luật, bị buộc thôi việc như chơi. Trước ngày Tỉnh ủy thông báo có Ban Tuyên giáo, Ban Kiểm tra… sang làm việc với lãnh đạo báo, tôi in hết cuốn phim chụp hiện trường (gốc cây, lán ở, bìa gỗ, đường kéo gỗ…) cho lãnh đạo cơ quan. Trong đó, có cả mấy tấm ảnh ông Cao D. cầm vỏ hộp dầu nhớt, cạn đựng xăng của “lâm tặc” bỏ lại sau khi dùng máy cưa cắt hạ gỗ. Lúc ở rừng, ông Cao D. bảo lấy về để đựng dầu thắp đèn, nên tôi đã chụp mấy kiểu ảnh. Ai ngờ, lại có tác dụng lớn. Trong bản tường trình, tôi cũng đề nghị huyện T.H thành lập tổ công tác kiểm tra lại vùng rừng bị khai thác trái phép và tác giả là người dẫn đường vào rừng.

Hơn một tuần sau, bên Tỉnh ủy sang làm việc cũng không thấy chuyện gì. Tôi đánh bạo lên gặp Tổng Biên tập để hỏi ra môn ra khoai thế nào. Ông Tổng Biên tập bảo tôi pha ấm trà uống rồi rạch ròi chậm rãi: “Bên đó (ý nói bên Tỉnh ủy) xác định là ta đúng rồi. Nhưng không đồng ý cho cậu lên lại vùng rừng đó nữa. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu không xới xáo vụ việc này thêm nữa. Thôi cậu quay ra trường để đi học”.

Tiếng vọng rừng giáp ranh

Vùng rừng sát biên giới của hai huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và Vĩnh Linh (Quảng Trị) luôn là nơi mà “lâm tặc” chọn làm điểm khai thác.

Thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh) được xem là “đại bản doanh” của “lâm tặc”. Bất luận thời khắc nào trong năm nếu đến Bến Quan sẽ thấy nhiều loại xe “đặc chủng” để vận chuyển gỗ như xe Uran, Ba cầu, xe Reo và xe công nông “độ”... Tất cả đều không có biển số kiểm soát nhưng lại đậu đỗ công khai ở các nhà dân, trên khắp các nẻo đường. Hàng ngày, từ 17 giờ chiều đến 20 giờ tối, các tài xế sau khi nắm được thông tin, bắt đầu nổ máy chạy vào rừng, vận chuyển gỗ từ địa điểm khai thác ra bên ngoài.

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 5

Tác giả trong chuyến đi công tác theo dấu chân “lâm tặc” vào tận nơi rừng bị tàn phá.

Ngồi với Hồ Dương (là thổ địa ở đây) trong quán cà phê cóc gần ngã tư Bến Quan. Dương chẳng ngần ngại cho biết: “Từ ngã 3 Đầu Đạn (xã Vĩnh Hà - huyện Vĩnh Linh) đến các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn chỉ hơn 10 km. Tuyến đường này trước đây do một đơn vị khai thác rừng trên địa bàn huyện mở ra và tồn tại đến bây giờ, thậm chí mặt đường còn rộng hơn gấp nhiều lần so với trước. Xe  các loại vận chuyển gỗ lậu chạy rất bình thường. Chạy như xe được cấp phép vậy".

Sau hơn 2 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi mới bò tới được điểm "18 vòng cua", thuộc Bản 4, xã Vĩnh Hà. Từ địa điểm này có trên 15 con đường mòn được hình thành tỏa ra khắp các vùng rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Hà và xã Vĩnh Ô lân cận. Tại đây hầu như ngày nào cũng tấp nập xe trâu kéo gỗ. Mỗi tốp thường có 3 người, 6 con trâu và 6 chiếc xe kéo vận chuyển từng phách gỗ đã được đẻo gọt vuông vắn tiến về xuôi. Trèo đèo lội suối vào những cánh rừng tự nhiên sâu nằm xa tít giáp với huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi tận mục sở thị cảnh tượng la liệt cây rừng bị chặt phá nằm chồng chất lên nhau bên bìa rừng. Nhiều gốc cây vừa mới bị đốn hạ tươi nguyên vết cưa. Đây không phải là lần đầu những cánh rừng này bị chặt phá một cách vô tội vạ.

Đi theo tuyến đường vào xã Vĩnh Ô, chúng tôi lại nhờ một xe Reo (loại xe tự chế chuyên dụng để đi rừng kéo gỗ) đưa vào cửa rừng. Chiếc xe chạy như gã say rượu luồn lách qua mấy tảng đá, con khe rồi thả cả đám xuống ngã ba Cà Lơi (thuộc bản 4, xã Vĩnh Ô). Tôi hỏi Doi (một thanh niên ở bản): "Lên chỗ rừng bị phá còn bao xa”. Doi nói: "Đi bộ, leo dốc khoảng một giờ đồng hồ là đến". Nghe vậy cả đám chẳng ngại ngần, gồng chân tay quyết tâm đi luôn. Sau chuyến đi, gặp lại Doi. Doi nói: "Mình nói đi hơn một giờ là chân mình đi. Còn sức cán bộ cứ đi vài chục phút phải nghỉ ngơi thì phải mất vài giờ chứ".

Băng rừng tìm… 'lâm tặc' - Ảnh 6

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia 2019.

Đi vắt qua trưa, đến đầu giờ chiều thì chúng tôi mới lê lết đến được ngã ba Cà Lơi. Đây là ngã ba có hai nhánh rẽ. Một nhánh rẽ bên phải là đi về vùng rừng giáp ranh huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và ngã rẽ bên trái đi lên vùng rừng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tôi đi theo một người dân địa phương dẫn đường rẽ theo tay trái. Lên một con dốc khá cao, khi bắt đầu hạ dốc lại có một nhánh rẽ phía trái. Con đường nhánh rẽ này có lẽ mở ra để phục vụ cho việc khai thác gỗ lậu.

Bắt đầu từ đây, chúng tôi cứ luồn rừng theo các dấu vết do người đi lại nhiều lần để dẫn đến những gốc cây rừng bị đốn hạ. Trong một khu vực rộng chừng trăm mét vuông đã có hơn chục cây gỗ (có đường kính từ 0,25m trở lên) bị “lâm tặc” cắt ngọt. Gỗ đã được xẻ thành từng phiến chờ cơ hội kéo ra khỏi rừng. Ở gốc cây đều có ký hiệu của cơ quan chức năng đã kiểm kê. Đi vòng quanh cũng chỉ phát hiện dấu vết của những cây gỗ nhỏ và đã bị cơ quan chức năng kiểm đếm.

Vậy là rõ. Người dẫn đường chỉ đưa chúng tôi đi loanh quanh ở khu vực rừng mà trước đó có đoàn kiểm tra của chính quyền đã lên truy quét. Điều đó có nghĩa là vùng rừng này đang được bảo vệ khá nghiêm.

Tôi kéo Bảo (một đồng nghiệp) đứng lại: “Ông đi theo tôi mới tìm được cây gỗ lớn bị khai thác. Để họ dẫn đi thì cũng chỉ vậy thôi”. Nói rồi, tôi tách khỏi nhóm, kéo Bảo cắt chéo rừng đi xuôi xuống chừng nữa giờ đồng hồ thì bắt gặp nhiều gốc cây lớn hơn (đường kính gốc trên 0,5m) bị xẻ thịt. Bảo nhìn cây gỗ rồi cứ hít hà: "Chao ôi, cây gỗ ni to quá hè".

Từ điểm này, tôi chọn một tổ mối cao, đứng lên đó nhìn quanh. Cứ thấy vùng rừng nào có khoảng trống là có dấu hiệu khác thường. Vì khi “lâm tặc” hạ cây gỗ lớn đổ xuống là cây gỗ kéo theo nhiều cây đổ theo nên tạo khoảng trống lớn. Đi ngược chênh chếch lên bắt gặp cây gỗ lớn nằm đổ ngọn xuống triền núi. Cây gỗ còn tươi rói, thớ gỗ màu au đỏ. “Lâm tặc” đã xẻ phần gốc và thân, chỉ còn lại một nhánh phụ. Tuy nhiên, nhánh phụ này cũng khá lớn. Tôi vòng tay ôm lấy nhánh phụ. Cũng vừa một vòng ôm. Cách đó không xa, cũng có cây gỗ lớn bị đốn hạ. Cây gỗ lớn nên khi ngã xuống kéo theo nhiều cây gãy ngã theo làm một khoảng rừng bị trống hoác.. Gốc và thân cây đã khô. Đồng nghiệp Bảo bươn bả vạch rừng đi đến nhìn gốc cây rồi nhìn tôi: "Chắc cây này bị lâm tặc cưa từ đầu năm anh hè".

Cũng phải nói thêm rằng, rừng Vĩnh Linh giáp với rừng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trữ lượng gỗ còn rất lớn. Về phía Quảng Bình, vùng rừng này được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (gọi tắt là Ban Động Châu) quản lý bảo vệ. Mấy năm qua, Ban Động Châu đã bố trí chốt bảo vệ ngay trong rừng thẳm sâu để bảo vệ rừng. Chốt bảo vệ canh ngày đêm nên “lâm tặc” cũng ngán.

Tuy nhiên, do “lâm tặc” khai thác rừng trên địa phận của tỉnh Quảng Trị nên lực lượng bảo vệ rừng của Quảng Bình không thể ngăn chặn được. “Lâm tặc” ngang nhiên mở đường để đưa xe vào vận chuyển gỗ. Lực lượng bảo vệ rừng Quảng Bình hơn một lần dùng mìn phá đường không cho xe tự chế vào. Nhưng phá đường này thì “lâm tặc” lại mở đường khác để di.

Nhiều lần lực lượng bảo vệ rừng Quảng Bình có đụng độ với “lâm tặc”, nhưng cũng không thể ngăn chặn. "Các ông cứ bảo vệ rừng của các ông thôi nhé. Rừng Quảng Trị là của chúng tôi có giấy phép khai thác hẳn hoi. Việc bên nào bên đó làm" - Cánh “lâm tặc” đốp chát với lực lượng bảo vệ rừng của Động Châu như vậy.

Tình hình phá rừng và xe Reo (tự chế) ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra đã được Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình thông báo bằng văn bản cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị và văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị biết để có kế hoạch phối hợp ngăn chặn. Tuy nhiên việc làm này của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã không được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị quan tâm. "Chúng tôi đã chụp ảnh về tình trạng rừng Quảng Trị bị khai thác trái phép để cung cấp cho phía cơ quan chức năng Quảng Trị rồi. Nhưng cũng không có kết quả gì"- một cán bộ ngành kiểm lâm Quảng Bình cho biết như vậy.

Từ rừng về, chúng tôi chịu cơn đói, khát và gặp để trao đổi với lãnh đạo huyện Vĩnh Linh về thực trạng rừng bị phá và việc đoàn truy quét lên rừng chỉ “đánh” ở vòng ngoài. Còn vòng trong, cây gỗ lớn bị khai thác còn chưa được kiểm soát. Vị lãnh đạo huyện không tin, tưởng chúng tôi nói dọa. Khi được tôi cho xem ảnh, clip vừa chụp, quay tại hiện trường cách đó mấy giờ đồng hồ thì vị lãnh đạo này kêu lên và trán lấm tấm mồ hôi.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng: “Lên rừng hay xuống biển chỉ để nắm bắt thông tin, tác nghiệp. Xuống biển có thể đông người trong chuyến hành trình. Nhưng lên rừng thì chỉ mình bạn hoặc một nhóm người rất nhỏ. Sự thật sẽ được bóc dần ra trong mỗi bước chân của người cầm bút. Với tôi đó là sự dấn thân vì nghề…”

Nguyễn Tâm Phùng

Bạn đang đọc bài viết Băng rừng tìm… 'lâm tặc'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới