Bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 50/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đến năm 2030, tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng sử dụng nước trong vùng, giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.
Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún mặt đất; từng bước phục hồi mực nước sông Hồng, nguồn nước mặt bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ưu tiên đối với các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội; phục hồi mực nước dưới đất tại các khu vực bị suy giảm quá mức.
Đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.
Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
Hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện theo phương thức trực tuyến trên cơ sở quản trị thông minh.
Phục hồi các nguồn nước, dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên lưu vực sông. Bước đầu kiểm soát được cao độ đáy sông vùng đồng bằng, duy trì mực nước trên sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu trong mùa cạn, đặc biệt là các đoạn sông chảy qua các đô thị như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh để tạo cảnh quan ven sông.
Để điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, Quyết định đưa ra giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình; kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định.
Nâng cao khả năng tích nước, trữ nước của các hồ chứa nước hiện có trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho hạ lưu theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiếu nước, phù hợp với quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.
Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực, nhằm tối ưu hóa việc điều tiết nguồn nước cho các mục đích sử dụng; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm tạo dòng chảy liên tục nhằm cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái…
Cần thiết ban hành Quy hoạch
Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2 . Trong đó, phần lưu vực nằm ở Trung quốc là 81.200 km2 chiếm 48% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Lào là 1.100 km2 chiếm 0,7% diện tích toàn lưu vực; phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.
Áp lực về phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, dự báo đến 2050 tăng lên 1,12 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng xả nước thải vào nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ … một số chỉ tiêu ô nhiễm đang vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,6 – 2,3 lần (COD, BOD5, NO2-…).
Mặt khác, việc khai thác, sử dụng nước chưa có quy hoạch và chưa quy định chức năng nguồn nước, chưa quy định dòng chảy tối thiểu càng làm cho nguồn nước ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước lưu vực sông.
Bên cạnh đó, khan hiếm nước trong mùa khô và thiếu nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đang diễn ra ở nhiều nơi trên lưu vực sông. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn đang xảy ra trên lưu vực sông. Nhiều công trình khai thác, sử dụng nước chưa được vận hành, khai thác theo đúng thiết kế nhất là các hồ chứa thủy lợi, một số hồ chứa vận hành, khai thác chỉ khoảng từ 68% - 75% năng lực thiết kế công trình….
Từ thực trạng và những thách thức trên, việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.
Lan Anh