Chủ nhật, 24/11/2024 08:46 (GMT+7)
Thứ tư, 03/03/2021 13:49 (GMT+7)

Bảo vệ động vật hoang dã: Hãy bắt đầu bằng 'sự lựa chọn sáng suốt'

Theo dõi KTMT trên

Thông qua phim ngắn truyền thông “Sự lựa chọn sáng suốt," Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên kêu gọi cộng đồng hãy chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Nhân ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới (3/3), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ra mắt phim ngắn truyền thông với tiêu đề “Sự lựa chọn sáng suốt” nhằm khuyến khích người dân sử dụng y học hiện đại để chữa bệnh thay vì sử dụng động vật hoang dã, góp phần bảo vệ “ngôi nhà chung” đa dạng sinh học.

Phim ngắn bắt đầu với cảnh xe cấp cứu trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, đến ngã ba, xe cấp cứu đột nhiên dừng lại vì lái xe không biết nên đưa bệnh nhân tới đâu khi trước mắt là hai tấm biến chỉ dẫn: Cơ sở chữa bách bệnh bằng động vật hoang dã và bệnh viện hiện đại.

Sau cuộc tranh cãi giữa bác sĩ, vợ bệnh nhân và thậm chí cả bệnh nhân đang trong tình trạng nguy cấp, cuối cùng tất cả đã quyết định hướng tới bệnh viện hiện đại.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của phim, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho rằng sau một năm đầy biến động do dịch COVID-19 được cho là có liên quan từ động vật hoang dã, thông qua phim này, ENV kêu gọi cộng đồng hãy chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam.

“Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép thì người dân nên cùng chung tay để chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã. Sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã không chỉ tàn phá thiên nhiên hoang dã mà còn có những tác động cực kỳ nguy hiểm đến con người như những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm 2020,” bà Dung nhấn mạnh.

Đại diện ENV cũng lưu ý các hoạt động tàn phá thiên nhiên và tận diệt động vật hoang dã đang đe dọa tới hành tinh và cuộc sống của chúng ta.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy mối liên hệ giữa việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã với nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Theo đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 30 năm qua có nguồn gốc lây lan từ động vật sang người, bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola,...

Trước những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do tình trạng buôn bán động vật hoang dã gây ra, ENV kêu gọi Bộ Y tế thúc đẩy phát triển các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối nguy hiểm của việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ và tiếp xúc với động vật hoang dã.

Trong năm 2020, ENV đã tiếp nhận số lượng các vụ vi phạm về động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến cuối năm 2020, đường dây nóng của ENV trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10 vi phạm. Số lượng các vi phạm liên quan đến quảng cáo, rao bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trên internet tăng đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn ở mức cao.

Trong 10 năm qua, ENV đã và đang nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền. Mới đây, ENV đã gửi thông tin đến gần 2.300 cửa hàng thuốc đông y trên cả nước nhằm cung cấp thông tin về pháp luật liên quan đến động vật hoang dã cũng như khuyến khích các dược sĩ, y, bác sĩ Đông y sử dụng những loại thuốc từ thảo dược để chữa bệnh.

“Giống như tình thế của người bệnh nhân trong phim này, chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian. Chúng ta phải chung tay xóa bỏ tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam,” bà Dung kêu gọi.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ động vật hoang dã: Hãy bắt đầu bằng 'sự lựa chọn sáng suốt'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới