Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ hai, 11/07/2022 06:55 (GMT+7)

Bộ Công thương đề xuất phát triển dự án điện mặt trời không có trong Quy hoạch VIII

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030.

Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc rà soát một số nội dung của quy hoạch điện VIII. Theo đó, Bộ này kiến nghị được triển khai các dự án, phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công và dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030...

Theo Bộ Công Thương, quy hoạch điện VIII đã kiến nghị về điện mặt trời, theo đó quy hoạch điện VIII đã không đưa các nguồn điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung điều chỉnh nhưng chưa vận hành vào cân đối cung - cầu điện năng.

Bộ Công thương đề xuất phát triển dự án điện mặt trời không có trong Quy hoạch VIII - Ảnh 1
Bộ Công thương đưa ra kiến nghị mới về phát triển điện mặt trời.

"Tuy nhiên, xét tới các rủi ro về pháp lý có thể phát sinh trong trường hợp giãn tiến độ của các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư và các nguồn điện mặt trời là nguồn điện năng lượng tái tạo, phát huy tiềm năng năng lượng sơ cấp trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nên cần được xem xét để triển khai với điều kiện phải được kiểm soát", cơ quan này cho biết.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030, các dự án, hoặc phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62 MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1.975,8 MW nhưng chưa vận hành.

Bộ cũng lưu ý các dự án này cần phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Đồng thời tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Ngoài ra, cơ quan này kiến nghị, giãn tiến độ các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW sang giai đoạn sau năm 2030.

"Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết, xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời", Bộ Công Thương cho hay.

Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021, nhưng phương án tính toán thời điểm đó không được chấp thuận do vẫn còn một số bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý... Việc này dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng rất lớn.

Thủ tướng sau đó yêu cầu Bộ Công Thương tính toán lại phương án, cập nhật các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Gần 30 cuộc họp bàn, góp ý về dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì. Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Theo số liệu được Bộ Công Thương, 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt, bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 15.301 MW. Đến cuối 2020 có 131 dự án vận hành, công suất 8.736 MW. Trong đó có 58 dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch và 117 dự án do Bộ Công Thương quyết định phê duyệt quy hoạch.
Bên cạnh đó, hiện nay còn 51 dự án/một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MW với tổng mức đầu tư 11.800 tỷ đồng đã thi công xong chờ xác định giá bán điện như Phù Mỹ, Thên Tân 1.2, một phần dự án Phước Minh, Thuận Nam, Chư Ngọc giai đoạn 2, Phước Thái 2, Ngọc Lặc, Kroong Pa 2,....

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công thương đề xuất phát triển dự án điện mặt trời không có trong Quy hoạch VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới