Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ tư, 06/07/2022 17:00 (GMT+7)

Cần sớm ban hành khung giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu hoặc khung giá mới, tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua. Quan trọng hơn cả phải có quy định khung giá mới để các nhà đầu tư điện mặt trời có kế hoạch thực hiện dự án.

Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đối với điện gió là Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 và được sửa đổi bằng Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 (gọi chung là giá FIT). Tuy nhiên đến nay giá FIT theo các Quyết định này đã không còn áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào vận hành sau ngày 31/12/2020 và các dự án điện gió vào vận hành sau ngày 31/10/2021.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 31/10/2021, có 84 dự án điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) trong 20 năm. Như vậy, còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 4.100 MW chưa kịp về đích đúng hạn để hưởng mức giá ưu đãi trên.

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc xây dựng khung giá cho các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã và đang được Bộ Công Thương gấp rút triển khai vừa đảm bảo tính kịp thời nhưng cũng phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Cần sớm ban hành khung giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 16/6, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (giá FIT) được thực hiện theo Quyết định 11 và 13 của Chính phủ.

Cơ chế này có nhiều ưu đãi cho các dự án điện mặt trời, đặc biệt ưu đãi về giá. Với điện mặt trời mặt đất, Quyết định 11 có giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh, Quyết định 13 là 7,09 cent/kWh và áp mái là 8,38 cent/kWh. 

"Nhờ các cơ chế khuyến khích đó, điện mặt trời phát triển rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam", ông Hùng cho hay.

Được hiểu, cơ chế giá bán điện cố định FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, trong đó có điện mặt trời và điện gió. Do đó, việc kéo dài cơ chế giá bán điện cố định FIT đối với các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới là không còn phù hợp.

Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, nếu không gia hạn giá FIT theo Quyết định 39, khoảng 50% các dự án điện có thể không đáp ứng được điều kiện để hòa lưới, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản vì không có nguồn thu, không có tiền trả ngân hàng và các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế ngay từ tháng 7/2021, nhiều doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội và tổ chức chuyên ngành năng lượng gần như cùng lúc gửi kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Ban, Bộ ngành trung ương xem xét gia hạn thời gian hưởng giá FIT theo Quyết định 39 thêm từ 3 đến 6 tháng.

Trước đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có chỉ đạo và giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tại cuộc họp báo cuối tháng 9/2021 của Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã nêu quan điểm, sẽ không đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 mà sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), dựa trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy để xác định giá mua điện đối với những dự án không thể cán đích. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào được đưa ra.

Theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cơ chế giá ưu đãi FIT khuyến khích đầu tư chỉ áp dụng trong thời gian nhất định để thu hút phát triển các dự án. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp nữa.

"Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư quy định về khung giá bán điện cho các loại hình phát điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện vẫn đang trong quá trình dự thảo", ông Hùng cho hay.

Nhấn mạnh năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, cần phát triển có chọn lọc hơn loại năng lượng này. Theo Chủ tịch VEA, một trong những giải pháp đó là cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu hoặc khung giá mới để chọn nhà đầu tư và "tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua".

Về mặt pháp lý, các quy định đã có trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, song việc tổ chức, xây dựng quy trình, quy định cho đấu thầu trong năng lượng tái tạo có những khó khăn nhất định. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ, sửa đổi cho phù hợp.

"Quan trọng hơn cả phải có quy định khung giá mới để các nhà đầu tư điện mặt trời có kế hoạch thực hiện dự án. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp phải thanh lý chính máy móc, thiết bị đã đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng” - ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh, cho biết.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, muốn có cơ chế giá mới chắc phải chờ Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch Điện VIII là căn cứ để thiết kế cơ chế đấu thầu, khung giá mới cho điện mặt trời.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần sớm ban hành khung giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới