Cần nhiều giải pháp đột phá hơn khi xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh
Tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh (ĐTTM), phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030, hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Theo thông tin cho biết, tại Hà Nội ngày 16/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” đã diễn ra hội thảo “Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong 4 hội thảo chuyên đề của Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Cụ thể, Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức. TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Cục trưởng Cục Phát triển đô thị TS. Trần Quốc Thái; Chủ tịch Hội Truyền thông số TS. Nguyễn Minh Hồng; Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Mạnh Hổ đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đức Hiển cho biết: Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là một xu hướng mới trên thế giới, đã và đang được nhiều quốc gia tổ chức triển khai thực hiện.
Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển ĐTTM đã được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng và Đề án của Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng ĐTTM là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số).
Nghị quyết 52-NQ/TW xác định mục tiêu: Đến năm 2025, có ít nhất 3 ĐTTM tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030, hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu tổng quát “phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”.
Nghị quyết số 06-NQ/TW đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”;
“Xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, các hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả các nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị”.
Thủ tướng Chính phủ trước đó cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018, phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Trên cả nước đến nay đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng Đề án phát triển ĐTTM; có khoảng gần 40 tỉnh triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh; khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.
Nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án ĐTTM chiếm từ 50-90%.
Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ ĐTTM, trong khi các nội dung về quy hoạch ĐTTM, quản lý xây dựng ĐTTM chưa thực sự được chú trọng.
Còn ít các dự án ĐTTM có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là những bức phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư.
Tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các ĐTTM còn hạn chế.
Tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản.
Nguyễn Đức Hiển nhận định: Hiện nay, mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển ĐTTM song nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến ĐTTM còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên ngành; Quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển ĐTTM, tiêu chí đánh giá khu đô thị mới thông minh chưa được thống nhất ban hành; tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ.
Sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM và nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn nhiều hạn chế.
Do vậy, TS. Nguyễn Đức Hiển kỳ vọng: Hội thảo là dịp để Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia để tham mưu hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển ĐTTM.
Nhìn nhận việc xây dựng phát triển ĐTTM gắn với xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị TS. Trần Quốc Thái nhận định: Trong thời gian qua, sự quan tâm, thúc đẩy của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang đem lại những kết quả bước đầu. Cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa cơ quan với cơ quan, cơ quan với người dân đã đạt được những kết quả tích cực.
Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính được chuyển đổi số, áp dụng các hình thức trực tuyến trong thực thi… đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ nhân dân của các cơ quan Nhà nước.
Các địa phương đã bước đầu triển khai thực hiện theo các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam đề ra.
Cụ thể, một số địa phương đã bước đầu xây dựng định hướng và tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh theo hướng ĐTTM.
Các địa phương đã triển khai số hóa, đăng tải, cập nhật, công khai trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Đến nay đã có khoảng gần 1.700 đồ án quy hoạch quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch.
Một số địa phương đã và đang từng bước xây dựng và triển khai, áp dụng GIS trong quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Trên cơ sở các nhu cầu, yêu cầu, điều kiện thực tiễn, nhiều địa phương đã tích cực triển khai, phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn với ứng dụng thông minh trong quản lý điều hành trong đô thị đối với các lĩnh vực giao thông, cấp nước, chiếu sáng, thu gom xử lý rác thải…; ứng dụng GIS trong quản lý mạng lưới hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Các dịch vụ tiện ích đô thị cũng đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm thúc đẩy phát triển để nâng cao chất lượng cuộc sống, tiện ích của các đô thị và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ví dụ như không dùng tiền mặt trong sử dụng các dịch vụ về y tế, giáo dục; xây dựng phần mềm quản lý giáo dục, xây dựng bài giảng, học liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục; sử dụng công nghệ thông minh trong phát triển du lịch thông minh, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác…
Trần Quốc Thái “điểm danh”một số địa phương tiêu biểu thực hiện phát triển ĐTTM và đã đạt được một số kết quả bước đầu như tỉnh Bình Dương đã triển khai và vận hành thành công Hệ thống thông tin địa lý GIS, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh. Tỉnh Bình Phước đang phát triển hệ thống chiếu sáng, cấp nước thông minh ứng dụng GIS để quản lý mạng lưới. Tỉnh Thừa Thiên - Huế ứng dụng Hue-S sử dụng trên thiết bị di động thông minh có khả năng tích hợp các thông tin, dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân, xã hội…
Nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực, thúc đẩy phát triển ĐTTM để hướng đến nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, chất lượng cuộc sống, tiện ích đô thị.
Song cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển ĐTTM còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trong các góc độ. Đơn cử, cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp; Các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân… còn ít.
Những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều.
Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển ĐTTM chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách…
Theo TS. Trần Quốc Thái, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, trao đổi kinh nghiệm vì xây dựng và phát triển ĐTTM luôn cần có những sự trao đổi sâu sắc, đa chiều.
Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, sổ tay hướng dẫn liên quan các khía cạnh về ĐTTM; hệ thống theo dõi, đánh giá ĐTTM; Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án Phát triển ĐTTM Việt Nam; Cụ thể hóa các chỉ tiêu và hành động ưu tiên…
Tại hội thảo, các diễn giả tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu về hoàn thiện thể chế, chính sách cho xây dựng ĐTTM; kinh nghiệm xây dựng và triển khai dự án, đề án phát triển ĐTTM có tính kết nối cao tại các địa phương; Kiến tạo không gian xanh trong nhà, khu công nghiệp đô thị với hệ thống HVAC; hệ thống chiếu sáng thông minh trong hạ tầng của đô thị; Công dân số và xác thực định danh công dân trong ĐTTM; ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị liên thông – nền tảng phát triển ĐTTM tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận bàn tròn, đại diện các đơn vị, địa phương cũng đã bàn sâu hơn về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, chuỗi ĐTTM nói chung; Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới và tại Việt Nam xu hướng phát triển ĐTTM tại các quốc gia phát triển và đang phát triển có những khác biệt gì? Cách thức huy động nguồn lực cho phát triển ĐTTM đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển ra sao cũng như những khía cạnh khác liên quan tới phát triển ĐTTM mà các diễn giả chưa đề cập tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả cũng có những hiến kế, đề xuất về phát triển đô thị, chuỗi ĐTTM trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bùi Hằng