Cảnh báo các hành vi, thủ đoạn rửa tiền của người nước ngoài tại Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cảnh báo, phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản số 7509 NHNN-TTGSNH cảnh báo và yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (TCTD) phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền.
Theo NHNN, qua thông tin cung cấp từ cơ quan công an về việc tiếp nhận, giải quyết nhiều tin báo tội phạm của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trên địa bàn TP.HCM về giao dịch liên quan đến các tài khoản do đối tượng người nước ngoài mở tại hệ thống các ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, về hành vi, đối tượng người nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài, thị thực Việt Nam, địa chỉ cư trú tại Việt Nam để mở tài khoản khách hàng cá nhân, có mã tiền tệ giao dịch Việt Nam đồng (VND) tại phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng tại Việt Nam. Các tài khoản này phát sinh giao dịch tiền chuyển đến. Sau đó, các đối tượng đến liên hệ với phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng để rút hết số tiền này bằng tiền mặt (VND) một lần hoặc nhiều lần.
Về đối tượng, quá trình đăng ký mở tài khoản khách hàng cá nhân, các đối tượng sử dụng hộ chiếu nước ngoài có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa, dán đè hình ảnh của đối tượng lên hộ chiếu; giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan cấp thị thực của Việt Nam. Xác minh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không có thông tin về cấp thị thực, thông tin xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Xác minh tại cơ quan đăng ký cư trú, đối tượng không cư trú tại địa chỉ được sử dụng để mở tài khoản. Thông tin quốc tịch của các đối tượng liên quan đến một số quốc gia châu Phi như: Kingdom of Lesotho, Malawi, Ghana,...
Nguồn tiền chuyển đến tài khoản của đối tượng mở tại Việt Nam có nguồn gốc từ các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng tại Việt Nam là đơn vị trung gian trong việc giao dịch chuyển - rút tiền của các đối tượng. Nguồn tiền này có thể được các ngân hàng nước ngoài phát hiện liên quan đến tội phạm xảy ra ở nước ngoài, sau đó thông báo cho ngân hàng tại Việt Nam phong tỏa, hoàn trả. Hoặc được các ngân hàng tại Việt Nam thông qua các nghiệp vụ ngân hàng xét thấy có dấu hiệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ, chủ động ngăn chặn, thông báo cho các cơ quan chức năng.
Nhằm kịp thời có các biện pháp ngăn chặn và đấu tranh với các hành vi có rủi ro cao về rửa tiền, NHNN yêu cầu các TCTD khi phát hiện các dấu hiệu nêu trên cần báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền kèm theo thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan (cơ quan công an quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố trên địa bàn), đồng thời báo cáo NHNN (Cơ quan TTGSNH) việc thực hiện này.
NHNN yêu cầu lãnh đạo các TCTD chỉ đạo các đơn vị, bộ phận có liên quan nghiêm túc thực hiện.
7 thủ đoạn “rửa tiền” được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay
Nghiên cứu cho thấy, cùng với các hình thức “rửa tiền” thông dụng trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm phát sinh sự gia tăng về tội phạm rửa tiền thông qua công nghệ cao, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến cho việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Từ các vụ án mà cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý, chúng tôi hệ thống và nhận diện lại một số thủ đoạn “rửa tiền” điển hình được tội phạm sử dụng phổ biến trong giai đoạn hiện nay như:
1. Thành lập các công ty “vỏ bọc” mua bán khống hàng hóa
2. Rút “tiền bẩn” qua nền tảng đánh bạc trực tuyến
3. Núp bóng các dự án gây quỹ, làm từ thiện, đi du lịch…
4. Chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người hưởng thừa kế
5. Nhờ người thân mua, chuyển nhượng hoặc tặng cho bất động sản
6. Mua cổ phiếu, trái phiếu
7. Cung cấp các dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo
An Như